Tại Giêrusalem ngày nay, bên sườn núi cây dầu, có một ngôi mộ, được lồng vào bên trong một ngôi Thánh đường. Đó là ngôi mộ của Đức Mẹ. Nhưng ngôi mộ ấy không có xác. Thánh Gioan Damascenô, trong bài giảng về Lễ Đức Mẹ linh hồn và xác lên trời năm xưa tại Giêrusalem có kể rằng : Năm 451 nhân dịp giáo chủ Juvenal, tổng giám mục thành Giêrusalem, đến viếng thăm thủ đô Constantinople, thì hoàng đế Marcien, trong cuộc triều yết, có nói với giáo chủ : “Ta nghe rằng tại Giêrusalem có ngôi thánh đường lớn nhất của Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, nằm gần vườn Giệtsêmani, trong đó có ngôi mộ táng xác của Đức Mẹ. Vậy ta muốn rằng xác thánh ấy được đem về thủ đô, để Ngài phù hộ cho đế quốc”. Giáo chủ Juvenal trả lời :”Thật chúng tôi có ngôi mộ của Đức Mẹ, nhưng ngôi mộ ấy trống không từ đời các thánh Tông đồ”. Ngôi mộ ấy trống không, vì Đức Mẹ sau khi qua đời đã được Chúa rước linh hồn và xác lên trời. Đó là lễ mà chúng ta long trọng mừng ngày hôm nay.
Giáo hội tin rằng Đức Mẹ đã được Thiên Chúa rước về Thiên đàng cả hồn cả xác. Nên từ thế kỷ thứ 6 Giáo hội đã mừng lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời ngày 15 thánh 8 hàng năm và còn giữ mãi đến ngày nay. Trong suốt 20 thế kỷ, vấn đề Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời đã bỏ ngỏ cho các nhà thần học tranh luận. Đến ngày 1.11.1950 Đức Giáo hoàng Piô XII với tông huấn Munificentissimus Deus mới định tín việc Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời :”Sau khi hoàn tất cuộc đời dương thế, Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa, vô nhiễm và trọn đời đồng trinh, đã được đưa lên hưởng vinh quang Thiên đàng cả hồn lẫn xác”.
Số lượt truy cập: (64)