Get Adobe Flash player
NHẬT KÝ XÂY DỰNG THÁNH ĐƯỜNG
FACEBOOK Của Chúng Tôi
CẬP NHẬT HÌNH ẢNH XÂY DỰNG THÁNH ĐƯỜNG
THÔNG BÁO CẦN THIẾT

Nt Maria Nguyễn Thị Minh Du 3/16/2013

Sáng ngày 15 tháng 3 năm 2013, theo chân Ban Tông Đồ của Dòng Đaminh Rosa Lima, tôi đem quà Mùa Chay đến với anh chị em dân tộc Châu Mạ- giáo họ Mẹ Vô Nhiễm- Đồng Nai Thượng- thuộc giáo xứ Cát Tiên, giáo phận Đà Lạt.

Cát Tiên nằm ở phía tây nam tỉnh Lâm Đồng. Phía bắc giáp với huyện Đăk R’Lấp (tỉnh Đắk Nông), phía tây bắc và phía tây giáp với huyện Bù Đăng (tỉnh Bình Phước), phía nam giáp với huyện Tân Phú (tỉnh Đồng Nai), phía đông giáp với hai huyện Đạ Tẻh và Bảo Lâm cùng tỉnh. Cát Tiên nằm ở vùng thượng nguồn sông Đồng Nai.

Cách Saigon khoảng 200km, nhưng quả thực 40 km để vào tới Đồng Nai Thượng là một ám ảnh với những ai chỉ quen đi đường trường, chưa quen dốc cao… Dù được cha xứ Phê-rô Phạm An Nhàn nhờ “ cánh tay trái” của mình là anh Cường cho mượn chiếc Ford để leo lên thăm anh chị em dân tộc Châu Mạ, nhưng ngồi trên xe mà vẫn cảm giác như bụi bám đầy người khi thi thoảng có chiếc xe lớn chạy ngang. Bụi chi đâu mà nhiều. Dốc lên cao, đường đi men theo cách triền đồi, dốc núi, những trái núi cứ san sát nhau như những cái bát úp, dốc nối dốc, thăm thẳm, hun hút… làm cho người viết nhứ đến câu thơ “ dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm, ngàn thước lên cao ngàn thước xuống”( Quang Dũng). Âý vậy mà cha xứ nói, đường mới đang thi công ngôn ngang đá thế này, trơn thế này còn đỡ chứ mấy năm trước là đường rừng, đi còn khó hơn…Vào mùa mưa, xe máy phải quấn xích vào bánh để bám vào mặt đường không bị trơn. Có những hôm xuống được tới nơi, ngồi ở quán cuối đèo nhìn xem người kế tiếp xuống ằng cách nào, có lộn nhào như mình không…

Ngồi trên xe mà thương cho nước mắm, xì dầu, dầu ăn.. và những thực phẩm phía đuôi xe bị dằn xóc không thương tiếc… mới thấy thực phẩm mang lên được tới trên này quả là một kỳ công. Cung đường này có lẽ hứng thú với các bạn trẻ thích đi du lịch bụi bằng xe gắn máy, mà từ thịnh hành thường gọi là đi “ phượt”. Vậy mà cha xứ vẫn phải đi “ phượt” mỗi tuần. Riêng dạo này đang xây cho anh chị em Châu Mạ ngôi nhà thờ, nên Ngài “ phượt” nhiều hơn. Ngồi trên xe, nghe anh chị em giáo dân của cha kể rằng: một hai giờ đêm có việc Ngài vẫn đi, có hôm xe hư dọc đường thì giấu xe vào bụi rậm, đi bộ tìm nhà dân trú chân. Cha chia sẻ: đi xe máy tiện một chỗ là mình có thể ghé thăm bất cứ người dân nào trên đường. Ăn cơm với họ. Thăm hỏi họ. Có lẽ vậy mà chỉ từ năm 2008 đến nay số anh chị em Châu Mạ từ 50% công giáo đã lên đến 80%. Tôi ngưỡng mộ con số này của cha, cha chỉ cười nói: đấy là việc của Chúa, nhiều người làm, chứ mình tôi không làm nổi. Vâng, đúng như vậy, nhưng nếu không nhờ nhiệt huyết và sự tận tình của Cha thì chắc là con số 1.300 giáo dân dân tộc sẽ không có. Cha cho biết thêm : hiện nay Cha phải coi đến 11 bản người dân tộc, nhưng cha mới chỉ đi tới được 9 bản, còn 2 bản nữa thì chưa đến với họ được.

Người dân ở đây sống bằng cây điều (đìu) là chủ yếu, theo những cung đường đến Đồng Nai Thượng, hai bên những vườn đìu trĩu quả. Vùng đất chỉ hợp với đìu. Đời sống người dân tộc đã không khá giả gì cộng với việc họ quen sống du canh du cư, không lo gì cho ngày mai, hôm nay có bao nhiêu thì xài hết bấy nhiêu nên nhà cửa cũng chỉ xập xệ. Mùa đìu mạnh bố, mạnh mẹ, mạnh con, ai hái được bao nhiêu thì xài bấy nhiêu, hết tiền , hết mùa đìu thì đi mượn tiền về mua gạo, sang năm có tiền thì trả sau. Ăn cưới ít cũng phải kéo dài đến 3 ngày. Do vậy, đời sống của họ cũng không có gì khấm khá cho lắm. Cha Phê-rô cho biết Ngài sẽ xây nhà thờ, phía dưới sẽ là hội trường, nơi đó sẽ cho mượn tổ chức đám cưới, nhưng chỉ đám cưới trong 1 ngày như người Kinh, để dần cha đưa họ vào nếp sống có tổ chức.

Mỗi phần quà của quý vị ân nhân nhờ nhà Dòng chúng tôi gửi đến tay anh chị em đáng giá chỉ 200 ngàn đồng (10 USD), nhưng với người nhận là một niềm vui thật lớn. Vì ở giữa núi đồi bạt ngàn, chung qaunh chỉ có đìu, có rừng, có đá, có đất và trời thì thực phẩm từ miền xuôi lên làm ấm lòng anh chị em Châu Mạ.

Một cụ ông đến nhận quà, nhìn thấy bịch cá khô, ông nói tự nhiên mà làm tôi chảy nước mắt: cá khô thơm ngon quá ! Hy vọng một ít gạo, một ít đường, một thùng mì tôm và nhiều thứ khác nữa… mỗi thứ một ít làm căn bếp của họ hôm ấy đầy hơn và tình người ấm hơn.

Sau khi phát quà, cha-con kéo nhau vào ngôi nhà nguyện dâng lễ. Lễ tạ ơn Chúa cho một ngày bình an, cho quý anh chị em ân nhân nghĩ đến người dân tộc vùng xa xôi hẻo lánh nhất của giáo phận Đàlat, cho những người có lòng tốt hướng về anh chị em Châu Mạ này và cầu nguyện lẫn cho nhau trong niềm vui và trong những ngày tháng Mùa Chay thánh.

Rời Đồng Nai Thượng, nhưng trong lòng vẫn vấn vương và mong trở laij vì hai lẽ: Cha xứ nói: còn một bản nữa xa hơn, dốc cao và thăm thẳm hơn của anh chị em dân tộc Stiêng. lẽ thứ hai, nơi đại ngàn này, chẳng ai nghe nói đến sự từ chức, sự đăng quang hay giáo hoàng mới… họ mù tịt về thông tin, mù tịt về những sinh hoạt của giáo hội.

ước chi nhiều anh chị em truyền giáo hơn mang lửa đến những đại ngàn của núi rừng miền Đông còn ít người biết đến này.

Số lượt truy cập: (3)

Hoạt động đoàn thể
Hạnh các thánh
Truyện kinh thánh
Xây dựng
Thông tin
Giáo xứ
Lời Chúa
Kinh thánh Giuse