CHÚA THÁNH THẦN VÀ CON NGƯỜI MỚI
Kính gửi Linh mục, Tu sĩ, Giáo dân
trong gia đình giáo phận.
Anh chị em rất thân mến,
1. Chúa Thánh Thần và con người mới. Sự kiện Chúa Thánh Thần hiện xuống trên các Tông đồ cách đây gần 2000 năm, không phải là một biến cố độc nhất trong lịch sử loài người. Qua bí tích Thánh Tẩy và Thêm Sức, Thiên Chúa là Cha giàu lòng từ bi thương xót đã gửi Chúa Thánh Thần đến với mỗi người chúng ta. Ngài đang ở trong lòng mỗi người như trong đền thờ của Ngài. Ơn đổi mới của Ngài là mầm sống mới được gieo vào lòng mỗi người, giúp ta cởi bỏ con người cũ, mặc lấy con người mới với phẩm vị làm con Thiên Chúa và làm anh em với mọi người. Phẩm vị con người mới được thể hiện qua những nỗ lực sống hiếu thảo luôn tìm và tuân hành ý Cha trên trời, quảng đại yêu thương và khiêm tốn phục vụ cho sự sống toàn diện của mọi người và sự phát triển vững bền của cộng đồng xã hội.
2. Bài học lịch sử. Trước con đường khổ nạn và cái chết của Đức Giêsu, các tông đồ và môn đệ của Ngài có cảm giác mất mát to lớn, vô cùng đau buồn và nản chí. Và vì cảm thấy sợ hãi và tuyệt vọng, kẻ thì thỏa hiệp để trục lợi, người thì tìm cách chống trả bằng vũ lực, một số người khác bỏ cuộc. Xem ra khi lâm vào hoàn cảnh khó khăn, đau khổ, bản năng bẩm sinh cùng lòng tham sân si vượt thắng lòng đạo, lòng tin của con người.
Khi từ cõi chết sống lại, Chúa Giêsu Phục Sinh đã bày tỏ một lòng từ bi thương xót vô biên đối với mọi người. Ngài quy tụ họ lại, tiếp tục đồng hành, mời gọi họ chung lòng cầu nguyện, dùng Lời Chúa soi sáng cho mọi người mở rộng lòng trí đón nhận và cộng tác với Chúa Thánh Thần đổi mới đời sống. Khi đón nhận và cộng tác với ơn Chúa Thánh Thần, mọi người trở nên con người mới, mang một quả tim mới, chan chứa một tình yêu mới. Tình yêu mới này có một sức mạnh vượt lên trên sức mạnh của bản năng tự vệ để sinh tồn cùng lòng tham sân si của con người.
3. Tác nhân đổi mới. Bài học lịch sử trên cho mỗi người chúng ta nhân diện những tác nhân đổi mới đời người, đổi mới lòng trí cùng lối suy nghĩ và thái độ ứng xử của con người. Những tác nhân đổi mới, trước hết là lòng từ bi thương xót vô biên của Thiên Chúa. Kế đến là Lời Chúa là Lời ban ánh sáng bình an cùng sức sống mới. Tiếp theo là ân ban Chúa Thánh Thần đổi mới lòng dạ con người. Sau cùng là sự cộng tác của con người với ơn Chúa thương ban. Cộng tác qua việc ý thức mở rộng lòng nhân, lòng đạo, lòng tin, đón nhận lòng từ bi thương xót vô biên của Thiên Chúa, và nỗ lực tuân hành Lời Chúa dạy sống mến Chúa yêu người, yêu cả kẻ thù ghét và hãm hại mình.
4. Phúc Âm hóa đời sống. Trong Năm Đức Tin, nhằm thúc đẩy mỗi tín hữu sống con người mới, Giáo Hội nhắc bảo mọi người hãy nỗ lực Phúc Âm hóa đời sống. Phúc Âm hóa đời sống có nghĩa là đưa ánh sáng và sức sống của Lời Chúa vào trong đời sống, vào trong bổn phận tu thân luyện đức và giáo dục, bổn phận tề gia chăm lo cho gia đình, cho cộng đoàn, bổn phận quản trị công ty xí nghiệp, cơ quan, trường học, các tổ chức xã hội… Phúc Âm hóa đời sống giúp mỗi người tín hữu sống trọn vẹn hồng ân đức tin, sống tròn đầy lòng từ bi thương xót đối với mọi người anh em đồng đạo, đồng bào, đồng loại. Phúc Âm hóa đời sống nhằm đáp lại những thách đố trong xã hội hôm nay, những thách đố từ khuynh hướng tục hóa, phi luân lý, phi chân lý, tự do phóng túng, hưởng thụ duy vật chất, chủ nghĩa cá nhân… Những khuynh hướng đó lôi cuốn con người chạy theo ác thần cùng thế gian trong cuộc đấu tranh loại trừ nhau, dễ làm cho con người lùi bước trên đường tiến bước theo Chúa Giêsu…
5. Cầu nguyện với Chúa Thánh Thần. Những thách đố trên trở thành những khó khăn, thử thách cam go cho công việc Phúc Âm hóa đời sống, cho đời sống làm người mới, cho công cuộc đổi mới xã hội. Trong tình cảnh đó, người tín hữu hãy làm theo Lời Chúa dạy: hãy kiên nhẫn và chuyên cần cầu nguyện. Cầu nguyện xin Chúa Thánh Thần mở rộng lòng trí đón nhận ơn hiệp thông với nhau, ơn khôn ngoan, ơn sức mạnh, giúp con người ý thức và tận tình tiến bước theo Chúa Giêsu, xây đắp Giáo Hội, và làm chứng nhân đức tin, chứng nhân Tin Mừng cho mọi người. Đức Giáo Hoàng Phanxicô xác định rằng: trong hoàn cảnh xã hội hôm nay, sứ vụ loan báo Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô thật sự cần đến sự hiện diện của những chứng nhân đức tin, những chứng nhân Tin Mừng, những chứng nhân trung kiên và can trường.
Gioan B. Phạm Minh Mẫn
Hồng Y Tổng Giám Mục
Số lượt truy cập: (14)