Định Hướng Truyền Giáo tại Việt Nam, Nên hay không?
Người Việt chúng ta có truyền thống tôn trọng các giá trị gia đình, đó là một nét rất gần gũi với Tin Mừng; ngoài ra còn có những đức tính khác nữa như cởi mở, chất phác, mộ đạo… đó là những cái lợi cho việc khai tâm Kitô giáo.
1. Phổ cập phương pháp truyền giáo
Nếu ai đã từng tiếp xúc với anh chị em Tin Lành thì người đó sẽ thấy được nhiệt huyết truyền giáo nơi họ. Ngay từ khi dạy đạo, người ta đã truyền đạt cái lửa truyền giáo rồi. Và họ giảng Lời Chúa bừng bừng nhiệt huyết, lòng như trào ra lửa! Trong khi đó, người Công Giáo lại ngủ mê, lửa truyền giáo tắt ngúm! Hình như tại Việt Nam không có giáo xứ nào dạy phương pháp truyền giáo cho học sinh giáo lý phổ thông và cho các em thực tập truyền giáo. Việc dạy giáo lý cho học sinh phổ thông là cái nền của ngôi nhà Giáo Hội để vươn lên và vươn xa, nhưng ngôi nhà ấy làm sao vươn lên và vươn xa được khi những người xây nhà (kiến trúc sư và thợ xây) không được học để biết cách làm cho Giáo Hội lớn lên rồi vươn mình ra xa hơn. Việc truyền giáo bị giảm thiểu, bị thu hẹp lại rồi bị lãng quên. Người ta cứ nghĩ việc truyền giáo là của các tu sĩ và giáo sĩ, chứ mình không có ơn gọi truyền giáo; và vì thế cũng chẳng cần phải có sách dạy về truyền giáo mà cũng chẳng cần học truyền giáo! Nếu nghĩ như thế, thì trọng tâm của ơn gọi làm môn đệ Đức Giêsu nằm ở đâu? Ơn gọi làm môn đệ của Đức Giêsu không phải là làm cho người khác thành môn đệ của Ngài sao? Chúa đã chọn các môn đệ, huấn luyện họ rồi mới sai họ đi, chẳng lẽ các môn đệ của Chúa thời nay lại muốn làm khác là không cần huấn luyện môn đệ? Chương trình giáo lý phổ thông cần dành một vị trí đặc biệt cho sư phạm truyền giáo: người nhỏ tuổi làm tông đồ truyền giáo cho người nhỏ tuổi, người lớn tuổi hơn thì làm tông đồ cho người lớn tuổi hơn. Ai cũng có thể làm tông đồ truyền giáo, đó là sứ vụ chung của tất cả những ai đã lãnh nhận Phép Rửa. Để có chương trình ứng dụng được cho các lứa tuổi phổ thông, cá nhân nào hay đơn vị nào soạn chương trình đây? Uỷ ban Loan báo Tin mừng hay Uỷ ban Giáo lý Đức tin trực thuộc HĐGMVN? Hay là cả hai? Chương trình ấy cần có sự thống nhất và sử dụng đồng bộ cho toàn quốc có nên không?
2. Kêu gọi cộng tác từ phía giáo dân
Đa số giáo dân tại Việt Nam rất có lòng sốt mến, nhiệt tình. Cứ tiếp xúc với nhiều giáo dân thì thấy, họ không quản ngại bất cứ việc gì được giao trong giáo xứ, họ nhiệt tình tham gia mọi hoạt động trong giáo xứ. Nghệ thuật cộng tác là một việc khó thực hiện, nhưng lại là một việc cần làm trong bối cảnh đa dạng và hội nhập ngày nay, điều này Công đồng Vatican II đã dạy như sau:
“Thời đại chúng ta đòi hỏi người giáo dân phải nhiệt thành không kém, nhất là những hoàn cảnh hiện tại càng đòi hỏi việc tông đồ của họ phải hoàn toàn mạnh mẽ và sâu rộng hơn. Quả vậy, càng ngày dân số càng gia tăng, khoa học và kỹ thuật càng tiến triển, những mối tương quan mật thiết hơn giữa con người không những mở rộng môi trường hoạt động tông đồ giáo dân đến vô hạn, môi trường mà phần lớn chỉ dành riêng cho họ, mà còn tạo nên nhiều vấn đề mới đòi họ phải đặc biệt lưu tâm học hỏi. Việc tông đồ này lại càng trở nên khẩn trương hơn, vì sự biệt lập trên nhiều phương diện của cuộc sống con người như thường thấy, càng gia tăng, đôi khi gây nên một sự tách biệt với trật tự luân lý và tôn giáo, cũng như tạo ra một sự nguy hiểm trầm trọng cho đời sống Kitô giáo. Hơn nữa, trong những miền thiếu linh mục hay khi các ngài không được tự do thi hành chức vụ, thì Giáo Hội khó có thể hiện diện và hoạt động hữu hiệu nếu không nhờ giáo dân cộng tác.
Dấu hiệu cho thấy nhu cầu muôn mặt và khẩn trương ấy chính là hoạt động tỏ tường của Chúa Thánh Thần đang làm cho giáo dân hôm nay mỗi ngày một ý thức hơn phần trách nhiệm riêng của mình và thúc bách giáo dân mọi nơi phục vụ Chúa Kitô và Giáo Hội.”
Trong lòng Giáo Hội hình như vẫn còn phảng phất sự cách biệt giữa giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân. Giáo dân được coi như là công dân hạng hai hay hạng ba. Giáo dân bị đối xử một cách không công bằng trong sứ vụ của Giáo Hội. Có nơi họ không được học tập hay mở mang kiến thức, vì sợ rằng họ sẽ hiểu biết rồi đâm ra khó bảo khó dạy, lại muốn làm thầy tu sĩ và linh mục!!! Vì thế, họ được bảo là cứ dựa cột mà nghe công dân hạng nhất phán dạy…!!! Theo quan điểm của các nghị phụ Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới qua Đức giáo hoàng Phaolô II được thể hiện trong Tông huấn “Người Kitô hữu giáo”, các các thành phần trong gia đình Hội Thánh đều có quyền bình đẳng và phẩm giá trước mặt Thiên Chúa, người giáo dân cũng được mời gọi vào làm vườn nho của Chúa. Hơn nữa, theo tinh thần của Công Đồng Vatican II, người giáo dân đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống và sứ vụ của Giáo Hội, và Công Đồng mời gọi tha thiết giáo dân dấn thân vào việc tông đồ:
“Thánh Công đồng muốn phát động mạnh mẽ hơn việc tông đồ của dân Thiên Chúa, nên chú tâm hướng về các Kitô hữu giáo dân, những người có phần riêng biệt và cần thiết trong sứ mệnh của Giáo Hội, như đã được nhắc đến trong những văn kiện khác. Bởi vì, vốn phát sinh từ ơn gọi làm Kitô hữu, việc tông đồ giáo dân không bao giờ có thể khiếm khuyết trong Giáo Hội. Trong những buổi đầu Giáo Hội, việc tông đồ này thật là hăng say và kết quả biết bao! Chính Thánh Kinh chứng minh cách phong phú điều đó (x. CvTđ 11,19-21; 18,26; Rm 16,1-16; Ph 4,3).”
Điều đáng mừng là trong những năm gần đây, tại Việt Nam người giáo dân được mời gọi tham gia vào nhiều sinh hoạt trong giáo xứ… Thế nhưng, những sinh hoạt đó cũng chỉ quanh quẩn trong khuôn viên nhà xứ như dạy giáo lý, quét sân nhà thờ, trông xe, trực văn phòng… Thiết nghĩ cần mở rộng phạm vi và nhiều hơn nữa sang một lãnh vực quan trọng nhất trong sứ vụ của Hội Thánh là đến với muôn dân: việc truyền giáo sẽ chẳng đi tới đâu nếu không có sự cộng tác của người giáo dân. Nếu người giáo dân tích cực cộng tác với hàng giáo phẩm, giáo sĩ và tu sĩ thì chắc chắn mùa gặt trong cánh đồng truyền giáo sẽ bội thu.
3. Đào tạo giáo dân làm tông đồ truyền giáo
Hiện nay người ta rất ít thấy tổ chức những khoá học đào tạo tinh thần và phương pháp cho người giáo dân truyền giáo. Một vài giáo phận đã tổ chức những khoá học về truyền giáo, nhưng cũng chỉ là bước khởi đầu giúp người giáo dân tiếp cận với Kinh Thánh. Các hội đoàn công giáo tiến hành ở Việt Nam cũng không thiếu, thế nhưng người giáo dân để làm việc truyền giáo lại hiếm hoi, nếu không muốn nói là không có. Xây một cái nhà mà cứ loay hoay làm cái mái, cái nóc mà không lo gia cố cái nền cho chắc, thì việc trang trí ở trên mái trên nóc nhà có ích chi, sụp đổ tan tành khi gặp gió nhỏ chứ chưa nói là bão to mưa lớn. Cái nền mà không chắc thì nhà làm sao đứng vững được?! Việc truyền giáo là cái nền, vì đó là sứ vụ cơ bản và ưu tiên nhất của Giáo Hội. Việc cơ bản không lo làm mà lại cứ làm ba cái việc lặt vặt đâu đâu như quét vôi, tô sơn lên tường, thử hỏi ngôi nhà Giáo Hội có vững được không? Cứ lo củng cố nội bộ trong Giáo Hội, thì càng củng cố bao nhiêu thì càng lục đục bấy nhiêu! Nội bộ lục đục thì cứ lục đục, nhưng vẫn phải ra đi truyền giáo, khi ra đi truyền giáo rồi thì ắt mình tự tốt lên, nội bộ sẽ được củng cố. Điều này được Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II dạy, nhất là trong thông điệp “Sứ vụ Đấng Cứu Thế”.
Chúng tôi đang thực hiện chương trình huấn luyện tinh thần và phương pháp cho người giáo dân để họ đi truyền giáo cho anh chị em di dân, bước đầu cho thấy là rất nhiều người hưởng ứng. Hy vọng là trong tương lai, sẽ có nhiều tông đồ giáo dân nhiệt tình đối với sứ vụ cao trọng này là đến với muôn dân để đem Tin Mừng cứu độ cho họ.
“Việc tông đồ chỉ đạt tới kết quả mỹ mãn nhờ việc huấn luyện đầy đủ và chuyên biệt. Sở dĩ đòi hỏi phải được huấn luyện chu đáo như thế không những vì người giáo dân phải tiến bộ liên tục về đời sống thiêng liêng và về giáo lý, mà họ còn phải thích nghi trong khi hoạt động với những hoàn cảnh khác biệt tùy theo thực tại, nhân sự cũng như tùy theo nhiệm vụ. Việc huấn luyện này phải dựa trên những nền tảng đã được Thánh Công đồng đề xướng và công bố trong nhiều văn kiện khác. Ngoài việc huấn luyện chung cho mọi tín hữu, còn phải có thêm lớp huấn luyện chuyên biệt cho một vài đoàn thể tông đồ có nhiều đoàn viên và hoàn cảnh khác nhau.”
Không chỉ dừng lại ở việc đào tạo họ làm tông đồ nhưng Hàng Giáo Phẩm còn có bổn phận là “phải hỗ trợ cho hoạt động tông đồ của giáo dân: đề ra những nguyên tắc và giúp các phương tiện thiêng liêng. Phải phối hợp việc tông đồ của họ để sinh ích chung cho cả Giáo Hội. Hàng Giáo Phẩm cũng phải lo cho giáo thuyết và những chỉ thị của Giáo Hội được tuân hành. Có nhiều thể thức liên lạc giữa việc tông đồ giáo dân với Hàng Giáo Phẩm tùy theo hình thức và mục tiêu của mỗi hoạt động tông đồ.”
4. Thành lập những nhóm nhỏ
Không thể cỡi ngựa xem hoa hay làm khơi khơi cho có chuyện. Cần có một hệ thống tổ chức từ cấp trên trở xuống, từ Uỷ ban Loan báo Tin mừng trực thuộc Hội đồng Giám mục cho đến từng địa phận, dòng tu. Nếu chỉ có chủ trương mà không có hành động thì chẳng đi đến đâu. Đức Giêsu chọn mười hai Tông đồ, nhưng Người sai cứ hai người làm một nhóm ra đi rao giảng. Có lẽ nên cụ thể hoá việc truyền giáo bằng những nhóm nhỏ, để thực hiện kế hoạch và mục tiêu đã đề ra. Những nhóm nhỏ phải được hướng dẫn bởi hàng giáo sĩ và tu sĩ. Những cộng đồng cơ bản đã xuất hiện trong thời Giáo Hội sơ khai, thì ngày nay cần được khuyến khích để những nhóm này phát huy hết những năng lực của họ. Đức giáo hoàng Phaolô VI trong tông huấn “Loan báo Tin Mừng” nêu lên những mặt mạnh của những cộng đoàn cơ bản này; đồng thời ngài cũng mời gọi những người hữu trách có bổn phận hỗ trợ và hướng dẫn để những nhóm nhỏ ấy không đi lạc hướng. Giáo Hội Hàn Quốc nhân rộng mô hình này để thực hiện những mục tiêu: mỗi gia đình công giáo kết bạn với một gia đình không công giáo, mỗi người công giáo kết thân với một người không công giáo… Kết quả cho thấy là công cuộc truyền giáo do người giáo dân khởi xướng bằng những nhóm cơ bản rất phát triển nơi Giáo Hội tại Hàn Quốc.
5. Phát huy những giá trị văn hoá dân tộc
Người Việt chúng ta có truyền thống tôn trọng các giá trị gia đình, đó là một nét rất gần gũi với Tin Mừng; ngoài ra còn có những đức tính khác nữa như cởi mở, chất phác, mộ đạo… đó là những cái lợi cho việc khai tâm Kitô giáo.
Dân tộc Việt có tính liên kết rất cao, đó là tính làng xã. Ngay tại nhiều giáo họ, giáo xứ hầu như toàn tòng có một số người chưa biết Chúa, thế mà qua bao nhiêu năm các giáo họ, giáo xứ đó không làm cho người ta theo đạo được lấy một người! Tính xã hội và làng xã sẽ liên kết người ta lại với nhau trong các sinh hoạt thường ngày của làng, của xã, của giáo họ và của giáo xứ. Các giáo xứ nên phát huy những đặc trưng văn hoá này để áp dụng vào việc truyền giáo. Ví dụ cụ thể, mỗi một dịp lễ lớn của giáo họ hay của giáo xứ nên mời những người ngoại đạo đó tới dự, mời tha thiết rồi đón tiếp nồng nhiệt thì chắc chắn sẽ gây nhiều ấn tượng nơi người ta.
Chúng tôi xin trích đoạn tạm kết của tác giả Nguyễn Văn Nội trong bài viết Truyền giáo tại Việt Nam – Những đặc trưng của việc truyền giáo tại Việt Nam xưa và nay để suy xét thêm:
“Nếu chúng ta quan tâm đến việc duy trì và phát huy truyền thống tốt đẹp của cha ông tổ tiên thì chúng ta sẽ quan tâm học hỏi, đào sâu, nghiên cứu thêm về những nét đặc trưng trên để phát huy chúng trong lịch sử hiện đại. Nếu chúng ta quan tâm đến duy trì và phát huy truyền thống tốt đẹp của Kitô giáo các thế kỷ đầu thì chúng ta sẽ quan tâm học hỏi, đào sâu, nghiên cứu thêm về những nét đặc trưng của các Cộng đoàn trong Công vụ Tông Đồ để phát huy trong đời sống Giáo Hội Việt Nam thế kỷ XXI. Nếu chúng ta quan tâm đến việc thực thi Công đồng Vatican II thì chúng ta cũng sẽ quan tâm đến việc học hỏi, đào sâu, nghiên cứu thêm về Giáo huấn của Công đồng để áp dụng chúng vào cơ cấu và đời sống của Giáo Hội Việt Nam.
Người ta có cảm tưởng là Giáo Hội Công Giáo Việt Nam không mấy quan tâm đến việc đọc lại lịch sử (ôn cố tri tân = ôn cũ biết mới) và cũng chẳng coi trọng việc nghiên cứu hiện tại để có thể định hướng tương lai và lên kế hoạch. Đó có thể là hệ lụy của những thập niên chiến tranh, đất nước và lòng người phân ly. Cũng có thể là kết quả của những chính sách và biện pháp hà khắc của nhà cầm quyền kể từ tháng 8.1945 đến nay. Đã có một linh mục {Vì là điều tế nhị chúng tôi xin không nêu tên vị linh mục này. Nhưng ngài là một linh mục vừa đạo đức vừa thông thái, có uy tín rất lớn trong Giáo Hội} phát biểu trong một buổi họp thu nhỏ, do Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa, Giám Mục Nha Trang chủ trì (lúc đó chưa làm Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam) tại Trung Tâm Công Giáo rằng: “Người ta có cảm tưởng là Giáo Hội Việt Nam không có tư tưởng, vì bên cạnh Hội Đồng Giám Mục không có một nhóm, một ban nghiên cứu nào!” Vì thế mà đời sống Đạo và hoạt động Truyền Giáo hay Loan Báo Tin Mừng của Giáo Hội Việt Nam không đem lại những kết quả đáng ra phải có. Dân số Việt Nam đã vượt trên con số 80 triệu và chẳng bao xa sẽ đạt tới con số 100 triệu! Hiện nay tỷ lệ người Công giáo trong nước mới chỉ ở mức 6-7 %, còn xa với mức 10 % mà nhiều người ảo tưởng là đã đạt được từ mấy năm trước đây.”
6. Phối hợp và tổ chức truyền giáo
Hiện nay, để công cuộc truyền giáo khởi sắc, thiết tưởng không thể thiếu chất men. Chỉ cần một tí men cũng có thể làm cho cả khối bột dậy men. Giáo sĩ và tu sĩ được ví như là men để làm cho khối bột dậy men. Họ là linh hồn của công cuộc truyền giáo. Một mục vụ phối hợp là điều cần thiết cho Giáo Hội tại Việt Nam trong thời hiện đại này. Hiện nay hình thức phối hợp làm mục vụ thì có thấy một vài nơi, nhưng không thường xuyên, mà chỉ tập trung một vài mảng nhỏ. Nên chăng không chỉ dừng lại ở khía cạnh mục vụ, mà cần chuyển sang các mảng khác, nhất là lãnh vực truyền giáo. “Một cây làm chẳng nên non…” nếu các giáo sĩ và tu sĩ mà biết phối hợp mục vụ và truyền giáo với nhau thì hoa quả đem lại sẽ dồi dào biết bao!
“Trong mỗi giáo phận, phải hết sức liệu sao cho có những hội đồng cố vấn gồm các giáo sĩ, tu sĩ cùng cộng tác thích hợp với giáo dân để giúp cho hoạt động tông đồ của Giáo Hội hoặc trong việc rao truyền Phúc Âm và thánh hóa, hoặc trong các công cuộc từ thiện bác ái, xã hội hay các hoạt động khác. Những hội đồng cố vấn này có thể giúp phối hợp hoạt động của các hội đoàn cũng như của các công cuộc tông đồ của giáo dân đang khi vẫn tôn trọng bản chất riêng và quyền tự trị của mỗi hội đoàn. Nếu có thể, cũng nên thiết lập những hội đồng cố vấn như thế ở cấp độ giáo xứ, liên giáo xứ, liên giáo phận và ngay cả trên bình diện quốc gia hay quốc tế.”
Việc loan báo Tin Mừng cho đồng bào chưa được đề cao, điều này được chứng minh cách cụ thể là chưa có một văn phòng thường trực làm việc thường xuyên để phối hợp các thành phần lại với nhau trên phạm vi toàn quốc. Văn phòng ở đây phải hiểu là văn phòng chuyên: nhân viên chuyên nghiệp và có thẩm quyền để phối kết. Không có văn phòng này thì không thể cân đối giữa cung và cầu trong vấn đề bác ái với việc truyền giáo… Một cái trường cấp 1, 2 hoặc 3 nhỏ nhỏ đang còn có văn phòng làm việc thường xuyên; còn ở đây, truyền giáo là nhiệm vụ khẩn thiết và hàng đầu trong sứ vụ của Giáo Hội mà chưa có lấy một văn phòng điều hợp làm việc thường trực, thì phải đánh giá như thế nào đây về ý thức và cách tổ chức truyền giáo tại Việt Nam?
Tổ chức truyền giáo là một việc cần làm, nhưng ai tổ chức đây? Chẳng lẽ mạnh ai nấy làm? Hay làm cho qua chuyện? Một sự kiện nhỏ diễn ra, người ta đã phải họp lần này lượt khác, lên kế hoạch này kế hoạch kia, lập tiểu ban này tiểu ban nọ; cứ thử xem cách tổ chức Lễ Khai Mạc Năm Thánh 2010 ở Sở Kiện mà xem, có cần phải chuẩn bị không? không chuẩn bị và không tổ chức thì lễ có diễn ra tốt đẹp được không? Sắp tới đây là Đại Hội Dân Chúa rồi Bế Mạc Năm Thánh? còn việc truyền giáo là việc sống còn của Giáo Hội mà chẳng được tổ chức cho có thứ tự lớp lang và hệ thống thì lấy gì mà tốt được? Truyền giáo cần được tổ chức từ vi mô đến vĩ mô, từ gia đình cho đến giáo xứ, từ giáo xứ tới giáo hạt…
7. Định hướng truyền giáo: nên chăng?
Người ta vẫn thường nói “biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”. Trong tất cả các ngành nghề, làm cái gì cũng cần một định hướng rõ rệt; học sinh phổ thông chuẩn bị bước vào đời cũng cần phải hướng nghiệp nữa là!; những việc khác lại còn cần phải định hướng. Nếu không có một định hướng hay kế sách lâu dài và mạch lạc, cứ vừa làm vừa sửa, vừa làm vừa rút kinh nghiệm và vừa làm vừa phá, thì chỉ có tốn công tốn của rồi tiền mất tật lại mang!!! Công cuộc truyền giáo cũng cần định hình về mục tiêu và chiến lược, nếu không thì chẳng đi tới đâu! Người lo đi gieo, kẻ kia lo đi gặt, nhưng người thu lúa không đưa lúa vào kho mà lại đổ xuống hồ xuống ao, mất tiêu hết công sức của người gieo và người gặt. Quá trình sản xuất lúa phải đi từng bước nhịp nhàng từ khâu xuống giống, gieo giống, chăm bón rồi thu hoạch; nếu không thì sẽ chẳng có lúa gạo mà dùng.
Một người muốn xây nhà thì cũng phải trải qua từng bước từ khâu chuẩn bị xa, chuẩn bị gần cho đến khâu thực hiện dự án. Công cuộc truyền giáo cũng cần phải có một định hướng rõ ràng, như thế mới mong có hiệu quả. Tác nhân chính trong công cuộc mở mang Nước Chúa là Chúa Thánh Thần, nhưng không vì thế mà loại trừ sự cộng tác của con người. Vậy thì truyền giáo tại Việt Nam có cần định hướng không? Và định hướng như thế nào? Ai là người vạch ra định hướng, rồi ai là người thực hiện định hướng ấy?
Thay lời kết
Xin mượn lời phát biểu của ĐHY Roger Etchegaray trong Lễ Khai Mạc Năm Thánh tại Sở Kiện để khơi gợi lửa truyền giáo và nhắc nhở mỗi người tín hữu chúng ta ý thức về sứ mạng cao cả đối với Dân Tộc và Giáo Hội tại Việt Nam:
“Trên chính mảnh đất này, chính tại nơi đây, chúng ta phải hành động để đem lại niềm hy vọng, như chứng tá mà Đức Giêsu đã trình bày. Hy vọng và con đường dẫn tới hy vọng, chúng ta đã từng nói tới, từng đọc, từng viết với biết bao sức mạnh. Không có một thiên đàng dọn sẵn ở trên Trời chờ đợi chúng ta đâu. Một xã hội huynh đệ phải được thực hiện từng ngày với những con người tự do, những con người khát khao công lý và tình liên đới. Đất nước Việt Nam chúng ta đã và đang mở ra với toàn thế giới. Hôm qua, chúng ta đã cùng tham dự buổi canh thức, tôi xin hoan nghênh và khen ngợi tất cả mọi người, nhất là các bạn trẻ đã tham dự vào buổi canh thức đó. Xin chúc mừng, chúc mừng và vỗ tay để hoan hô chúc mừng! Các bạn đã tỏ ra cho chúng tôi thấy rằng các bạn không muốn lớn lên như những con người thụ động thừa hưởng, mà như những người mở rộng đôi mắt nhìn về tương lai và mở rộng bàn tay ra để nhận trách nhiệm đối với đất nước Việt Nam và Giáo Hội Việt Nam này. Con người mà sống một mình thì thuộc thành phần bất hảo – một nhà văn đã viết như vậy. Các bạn hãy dang rộng cánh tay, tất cả hãy mở rộng vòng tay của mình, trong suốt Năm Thánh này, không chỉ với những tín hữu hiện diện nơi đây nhưng với tất cả các Tu Sĩ nam nữ, các Linh Mục và tất cả các Giám Mục nữa, tất cả phải cùng hành động trong Năm Thánh này, để Giáo Hội Việt Nam trở thành Giáo Hội gần gũi với Thiên Chúa hơn, và gần gũi với mọi người hơn, không để một ai bị loại trừ. Chúng ta có thể khác biệt về tôn giáo, về ý kiến, về quan niệm, nhưng tất cả chúng ta đều là anh chị em với nhau và là con của một Cha trên Trời!”
Thiết tưởng lời phát biểu của ĐHY Roger là một lời thôi thúc cộng đoàn Kitô hữu tại Việt Nam suy nghĩ về hiện trạng truyền giáo tại Việt Nam, để có một định hướng truyền giáo cho những năm sau Năm Thánh này. Hơn bao giờ hết, có lẽ sẽ khó có dịp nào tốt hơn, Năm Thánh 2010 này là dịp để nói đến định hướng truyền giáo. Sau khi đã có định hướng thì cần bắt tay hành động ngay để có một mùa xuân sáng lên ánh hy vọng cho Đất Nước và con người dân Việt được rạng rỡ niềm tin vào ơn cứu độ, một mùa gặt thu lúa về đầy kho lẫm cho Giáo Hội tại quê hương này thêm rực màu hiệp nhất và yêu thương.
Số lượt truy cập: (21)