NHỮNG NGƯỜI NỮ ANH HÙNG TRONG THỜI CẤM ĐẠO
Trong 300 năm bắt đạo, tổng kết là hơn 100. 000 nạn nhân chết vì đạo, trong đó có 150 linh mục Việt Nam, 50 vị thừa sai ngoại quốc, 340 thày giảng, 370 nữ tu dòng Mến Thánh Giá. Phân chia như sau: 1630-1700: 100 nạn nhân. 1700-1800: 138 nạn nhân. 1800-1862: 40.000 nạn nhân. 1862-1886: 60.000 nạn nhân. Ngoài ra hơn 3.000 họ đạo bị triệt hạ, đốt phá, hay cướp bóc (1). Tài liệu khác ghi thêm: thời gian 1883-1886, phong trào Văn Thân tàn sát người Công Giáo dã man nhất, đã giết 8 thừa sai, 7 linh mục, 270 nữ tu Mến Thánh Giá, và 24.000 giáo dân… Chính trong cuộc tàn sát này, Đức Mẹ đã hiện ra tại Trà Kiệu, năm 1885 (DMAH 3, tr.336-338) (2).
Thế nhưng trong số hơn 100.000 vị tử đạo, mới có 117 vị được Giáo Hội tôn phong Hiển Thánh (1988) và thêm thày giảng Andrê Phú Yên được phong Chân Phước (2005). Như vậy có tới 99.882 và còn là “mai danh ẩn tích”, không phải đối với Chúa, nhưng đối với Giáo Hội và xã hội hay gần gũi hơn đối với giáo dân và dân chúng Việt Nam. Có thể hơn nữa, trong số 117 vị hiển thánh chỉ có một người nữ duy nhất là thánh Anê Lê Thị Thành (1871-1841). Đang khi đó, nữ giới là một lực lượng rất mạnh vừa tiền tuyến vừa hậu cần trong sự nghiệp truyền giáo, bảo vệ và xây dựng Giáo Hội, đặc biệt trong 300 năm cấm đạo. Cùng với cộng đồng giáo dân Việt Nam, chúng tôi ước mơ rằng trong những lần lập hồ sơ xin phong chân phước sau này, các vị hữu trách sẽ không bỏ quên những người nữ anh hùng đã hy sinh đời sống để làm sáng tỏ niềm tin công giáo và thăng hoa nền văn hóa quê hương.
Hôm nay, để góp phần vào việc hiện thực hóa giấc mơ, chúng tôi viết chương sách này với chủ đề NHỮNG NGƯỜI NỮ ANH HÙNG TRONG THỜI CẤM ĐẠO. Thiếu thốn về tài liệu và bài giới hạn bởi khuôn khổ của chương sách, chúng tôi cố gắng trình bày chủ đề qua bốn tiểu mục, và trong mỗi tiêu mục chúng tôi nêu lên vắn tắt một số tích truyện làm tiêu biểu.
• Những người nữ qúy phái xây dựng Giáo Hội Việt Nam sơ khai.
• Những bông hoa trinh nữ trong thời cấm đạo.
• Các nữ anh hùng chết vì đức tin.
• Những người vợ đảm đang và những bà mẹ gương mẫu trong thời cấm đạo.
Trong mỗi tiểu mục, chúng tôi cố gắng nêu bật: đời sống của những người nữ anh hùng trong thời cấm đạo tại Việt Nam thật phù hợp với Thánh Kinh, do đó họ thăng hoa nền văn hóa quê hương. Họ là những người nữ khôn ngoan, can đảm, đạo hạnh… được ca ngợi trong Thánh Kinh và tán tụng trong văn học bình dân.
I. NHỮNG NGƯỜI NỮ QUÝ PHÁI XÂY DỰNG GIÁO HỘI VIỆT NAM SƠ KHAI
Việc Chúa Làm thật kỳ diệu. Trong đám dân chúng đầu tiên đón nhận Tin Mừng và cộng tác đắc lực với các thừa sai rao giảng Đạo Chúa và khởi đầu xây dựng Giáo Hội Việt Nam có nhiều người nữ qúy phái, thuộc dòng dõi vua chúa. Tuy không đổ máu vì đức tin, và tài liệu lịch sử ghi lại sơ sài về các ngài, nhưng quả thực, các ngài là những phụ nữ can đảm, khôn ngoan đầy Thần khí như bà Myriam (Xh 15,20 tt), bà Dêbora và Giaen (Qa 4,4-5,31) và bà Hulda (2V 22,14-20) được ca ngợi trong Cựu Ước. Đọc lại đời sống và công lao đóng góp của các ngài cho Giáo Hội Việt Nam thơ sinh, chúng ta có thể nói theo nhiều nhà chú giải Thánh Kinh rằng: Những người nữ qúy phái và anh hùng này là hình bóng của “sự khôn ngoan Thiên Chúa” (Cn 8,22-31), là những biểu dương “sức mạnh của Thiên Chúa, Đấng muốn dùng những dụng cụ yếu đuối để tạo nên vinh quang của Ngài giữa muôn dân, và quy tụ muôn dân về với Thiên Chúa. Bà Anna đã ca ngợi Thiên Chúa của người khiêm tốn” (1Sm 2), bà Giudit như một nữ ngôn sứ chính thức, đã chứng tỏ rằng: mọi người có thể cậy vào sự bảo vệ của Thiên Chúa. Sắc đẹp, sự khôn ngoan, tài khéo léo, lòng can đảm và khiết tịnh của bà trong đời góa bụa làm cho bà trở thành mẫu mực thành toàn của người nữ theo ý định quan phòng của Thiên Chúa. (Jd 8,1-8; 9,1 tt; 11,20; 18,1-17).
Những người nữ qúy phái anh hùng đức tin của Giáo Hội Việt Nam sơ khai mà chúng ta muốn nêu danh dưới đây, không chỉ là những hình ảnh của những người nữ được ca ngợi trong Cựu Ước, nhưng còn là những mẫu người nữ trổi vượt trong công trình thăng hoa nền văn hóa Việt Nam, cách riêng phạm vi luân lý và đạo giáo cổ truyền. Tuy “thiếp là dòng dõi vua quan, thiếp chưa từng chịu cơ hàn nắng mua’’, thế nhưng sau khi vào đạo, các ngài hiểu được thế nào là “Thiên Chúa Tình Yêu” (1Ga 4,8), thế nào là “Yêu Chúa hết lòng và thương người khác như chính mình” (x. Mc 12,29-31).
Nhờ đó, những người nữ này đã dấn thân, để trước hết “ai ơi cứ ở cho lành, tu thân tích đức để dành về sau”, để thứ đến “chồng con, cha mẹ, họ hàng, nhờ được có nàng mà sống an vui”, “Vui vì phúc lộc ơn trên, sống theo thiên mệnh, sống theo luân thường”. Sau cùng “phục vụ tha nhân nghèo nàn” “dẫn về nẻo chính đường ngay, những ai tối ngày quên lãng ơn trên”. Sống trong thời điểm “nhà vua, nhà chúa”, ngoài xã tắc có nhiều phản loạn, nhiễu nhương, trong hoàng gia đầy những “tranh ngôi thù hận”, các thánh nữ, nhờ Phúc Âm, hiểu hơn ai hết “nữ trượng phu đừng thù mới đáng, nữ anh hùng đừng oán mới hay”. Với niềm tin, với tình yêu vị tha, các người nữ này đã trở thành “hữu xạ tự nhiên hương”, “Lời lành thấm sâu, gương lành lôi kéo”, và “nước chảy mãi đá phải mòn”, “sắt mài mãi sẽ thành kim”…. Các ngài đã đưa nhiều người quay về đường lành, trở nên con cái Chúa. Rồi, “nhiều con én sẽ thành mùa xuân”, mùa xuân Cộng Đoàn, mùa xuân của một Giáo Hội thơ sinh… Mà các ngài được Thiên Chúa xử dụng làm nền móng, làm cột trụ… Trong xã hội Việt Nam thời cấm đạo, những người nữ này sống trong sạch, gương mẫu, hành động khôn ngoan và ảnh hưởng lớn lao:
Trong đầm gì đẹp bằng sen,
Lá xanh, bông trắng lại chen nhị vàng.
Nhị vàng bông trắng lá xanh,
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn…
Giống như vây quế trong rừng,
Tuy rằng ẩn khuất nhưng lừng hương thơm…
Người khôn tiếng nói thanh thanh,
Chuông kêu khẽ đánh bên thành cung nghe…
Từ những mẫu người nữ được ca ngợi trong Thánh Kinh, từ những ngôi sao nữ giới làm sáng nền văn hóa Quê Hương, chúng ta có thể dẫn cứ dưới đây bảy người nữ anh hùng qúy phái đã góp phần đáng kể cho nền móng Giáo Hội Việt Nam sơ khai.
1. Bà Ursula phu nhân đại sứ Annam tại Cao Miên.
Năm 1618, Nguyễn Phúc Nguyên cử một quan đại thần làm đại sứ Annam tại Cao Miên. Vợ ông đại sứ là con quan phủ Qui Nhơn. Bà được nghe các cha thừa sai nói nhiều về đạo mới, nên xin học đạo. Thấy chuyến đi Cao Miên theo chồng có phần nguy hiểm vì hành trình xa nhà, bà xin rửa tội trước. Tại nhà thờ nước Mặn, Qui Nhơn bà và 25 gia nhân được Cha Francesco Buzoli, người Ý ở Việt Nam 1615-1634, qua đời tại Ma Cao, năm 1639, rửa tội và đặt tên cho bà là Ursula. Trong số những người được rửa tội, có mấy cô vợ nhỏ của chồng bà. Sau khi rửa tội, các cô tuyên bố dứt tình với ông đại sứ. Chính bà và các cha khuyên ông giữ luật một vợ một chồng. Ông nghe theo bỏ hết vợ nhỏ. Bà rất khôn khéo không đuổi các cô, mà thu xếp gả chồng và kiếm công ăn việc làm cho từng cô. Tối đến, trong dinh bà tổ chức lần hạt và đọc kinh trước bàn thờ. Nhờ sự khôn ngoan của vợ và dạy dỗ của các cha, ông đại sứ xin rửa tội cùng với 20 tùy tùng và gia nhân. Ông được đặt tên là Inhaxu.
2. Bà Maria Minh Đức Vương Thái Phi
Không có tài liệu nào ghi rõ tên thật, ngày và nơi sinh của bà. Minh Đức chỉ là tên hiệu của bà. Bà sinh sống tại Dinh Cát (hay Cát Dinh), nay là Ái Tử, QuảngTrị, thuộc hạt Dinh Cát, giáo phận Huế. Bà lập gia đình với Nguyễn Hoàng và sinh được hai người con trai là Nguyễn Phúc Khê và Nguyễn Phúc Nguyên, đều theo mẹ trở lại đạo. Bà là người rất đắc lực trong việc giúp chồng làm nên sự nghiệp ban đầu của dòng nhà Nguyễn, nhất là có con trai để nối nghiệp. Vì thế bà được danh hiệu ‘Từ Lương Quang Thục Minh Đức Ý Cung Gia Hoàng Đế Hậu’, chết được chôn và thờ chung với Nguyễn Hoàng ở Thái Miếu. Năm 1613, khi chồng bà là chúa Nguyễn Hoàng mất bà vẫn còn sống. Các con là Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635) và cháu là Nguyễn Phúc Lan (1635-1648) và chắt là Nguyễn Phúc Tần (1649?).
Năm 1623, khi Cha Đắc Lộ gặp Cha Francesco de Pina (Bồ Đào Nha, 1585-1625) tại Cửa Hàn, Quảng Nam, và được Cha Pina cho hay chính cha đã rửa tội cho bà và đặt tên thánh là Maria. Tháng 2.1639, Từ Hội An, Cha Đắc Lộ ra Kim Long, Huế vào yết kiến Nguyễn Phúc Lan, được đón tiếp nồng hậu. Cha có dịp tiếp xúc với bà, và Cha làm lễ tại tư dinh của bà. Tín hữu đến rất đông chật cả nhà. Tuần thánh năm ấy cha rửa tội cho ba người trong hoàng tộc và một thầy sãi nổi tiếng. Tháng giêng 1644, Cha trở lại xứ Nam (lần thứ tư) đem theo thầy giảng Anrê. Sau khi được rửa tội, bà đã dâng cúng ngôi nhà mình ở, tại Dinh Cát làm nhà nguyện. Nhà nguyện này bị phá vì….. Bà đã giúp các vị thừa sai và tín hữu. Có thể nói bà có công trong việc khởi công xây dựng các giáo đoàn đầu tiên tại Quảng Trị và Thừa Thiên. Bà qua đời khoảng tháng 1648-1649, thời Nguyễn Phúc Lan (1635-1648) hoặc đầu Nguyễn Phúc Tần (1649), thọ 80 tuổi. Xác được chôn cất trong Vĩnh Cơ Long, miền núi Hải Cát. Sau khi bà qua đời, nhà cửa và khu nhà nguyện được trao cho Ông Phêrô Văn Nết trông coi. Ông Nết sinh 1696 tại Trà Bát, Quảng Trị. Ông được phúc tử đạo vào khoảng 1636, thời Nguyễn Phúc Tần, tức Hiền Vương. Bấy giờ có Tống Thị, vợ Hiền Vương, rất ghét đạo, xúi dục chúa sát hại người đạo Giatô và giáo sỹ (3).
3. Công chúa Catarina
Công chúa Catarina em chúa Trịnh Tráng (1576-1657), sau khi được rửa tội, đã lôi cuốn và khuyên dụ được 17 người trong hoàng cung trở lại. Trong đó có mẹ công chúa. Mẹ nàng là người rất sùng đạo Phật và là người đứng đầu các sư sãi. Chính bà khuyên nhiều cung nữ và dạy giáo lý cho các cô này. Công chúa Catarina rất nhiệt thành trong việc giúp đỡ người khác trở lại với Đức Tin. Bà là người có óc nghệ thuật và tài thơ văn và đem tài nghệ văn chương phục vụ Giáo Hội. Bà đã viết tập vãn bằng chữ Nôm về ‘Lịch sử Giáo Hội’. Nội dung trình bày hai phần. Phần đầu: Từ khi Thiên Chúa tạo dựng trời đất. Chúa Giêsu xuống thế cứu chuộc nhân loại và cuộc đời Chúa Giêsu nơi trần gian và cuộc tử nạn trên thập giá. Cuộc phục sinh khải hoàn và lên trời hiển vinh của Chúa Cứu Thế. Phần hai nói về cuộc hành trình đến và truyền giáo của các Cha dòng Tên tại Tonkin. Thơ vãn của bà được các tín hữu ham mộ và chuyền đọc. Họ ngâm đọc trong gia đình, trong khi làm việc và cả khi ra ngoài đồng hay khi đi đường. Các nhạc sỹ đã dùng lời thơ của bà để phổ nhạc. Nhiều người lương cũng mê thích những bài vãn của bà. Nhờ vậy mà nhiều người trở lại đạo. Có thể nói công chúa Catarina là người sáng tác thơ công giáo đầu tiên. (4).
4. Bà Anna
Bà là em gái Trịnh Tráng, chồng bà làm quan trong triều, đi công cán ở Thanh Hóa, chẳng may bị bệnh nặng đột ngột, ông truyền lệnh cho cáng ông về gấp để gặp các giáo sỹ. Về đến nhà ông chỉ còn thoi thóp và chết. Cha Đắc Lộ không kịp đến, nhưng vẫn cho tổ chức đám ma thật lớn. Trước cử chỉ ưu ái của Cha, bà Anna thắc mắc: một người chưa được rửa tội sau khi chết sao lại được trọng vọng như vậy, và có cách nào cứu được chồng mình không? Cha cắt nghĩa: người chết mặc dầu chưa có công trạng gì, nhưng làm như vậy vì lòng nhân hậu bao la của Chúa để ông sống hạnh phúc đời sau. Nghe vậy, vợ quan khóc và tha thiết xin được rửa tội. Bà còn để mẹ già lớn tuổi, đau yếu, trở lại đạo luôn. Theo gương bà Anna, bà Monica và một số người khác trong vùng xin theo đạo. Từ ngày trở lại, góa phụ Anna chuyên lo đọc kinh và thực hành bác ái (Sđd).
5. Công chúa Maria Mai Hoa.
Năm 1591, công chúa Mai Hoa là chị của vua Lê Thái Tôn, mới bảy tuổi lên ngôi, nên bà chị nhiếp chính và quyền hành trong tay Trịnh Tùng. Công chúa quen biết giáo sỹ Ordonnez de Cevallas, một người thông minh đạo mạo. Bà ngỏ ý kết hôn với cha. Nhưng cha cắt nghĩa rành mạch về giáo lý công giáo và từ chối lời cầu hôn của bà. Bà sớm hiểu biết Tin Mừng và được ơn trở lại, xin rửa tội mang tên là Maria, tức Maria Mai Hoa. Sau khi rửa tội, bà trở thành người rất sùng đạo, sẵn sàng cống hiến tài năng và của cải cho công việc truyền giáo, và là một tay đắc lực giúp các thừa sai truyền giáo (5).
6. Công chúa Ngọc Liên.
Năm 1629, cha Dòng Tên Francesco de Pina (chết tại Cửa Hàn, ngày 15.12.1625) đã rửa tội cho công chúa Ngọc Liên, con gái lớn của chúa sãi Nguyễn Phúc Nguyên. Chồng bà làm trấn thủ Quảng Bình. Nguyễn Phúc Vinh đã lập ra dinh trấn thủ ở Phú Yên, biên giới Chiêm Việt vào năm 1629 (Sđd).
7. Bà Madalena Phú Yên.
Năm 1641, Bà Madalena ở Phú Yên là vợ quan trấn thủ dinh Trấn Biên. Quan là người mộ mến đạo, nhưng không chịu trở lại đạo vì còn bị ràng buộc bởi nhiều vợ bé. Ông đồng ý cho bà Madalena là vợ cả theo đạo. Nhờ ơn Chúa, sau khi trở lại bà lập một nhà nguyện ngay trong dinh trấn, mở một nhà thương, đi thăm viếng và an ủi người già yếu, nghèo khổ cùng cực trong miền. Bà đã bỏ công việc trong phủ huyện mà chuyên lo bác ái từ thiện và được nhiều người hưởng ứng tiếp tay cùng làm. Nhờ đó có nhiều người trở lại đạo. Bà tìm cách thuyết phục chồng. Một lần bà về kinh, nghe tin chúa Thượng sắp ra lệnh cấm đạo, bà tức tốc trở lại Phú Yên ngay. Vào nhà thờ bà trấn an giữ vững tinh thần giáo dân và khuyên nhủ: “Thưa anh chị em, anh chị đã biết rằng quân lính anh dũng thì phải can đảm hy sinh cho vua mình chứ? Chúng mình cũng vậy, phải can đảm hy sinh cho Thiên Chúa và bênh vực lề luật của Chúa”. Bà đã xin Cha Đắc Lộ đang có mặt tại Phú Yên vào dinh dâng lễ cho những người trong dinh và chung quanh. Cha đã ở lại trong dinh bốn ngày dạy giáo lý và rửa tội cho 90 người, trong đó có con gái của quan trấn (6)
II. NHỮNG BÔNG HOA TRINH NỮ TRONG THỜI CẤM ĐẠO
Các bông hoa trinh nữ trong thời cấm đạo, phần đông là các nữ tu Dòng Mến Thánh Giá được đức cha Lambert de la Motte chính thức thiết lập tại Việt Nam năm 1670. Bên cạnh các thày giảng, các chị là lực lượng nhân sự vừa hùng mạnh, vừa hiệu lực và nhiệt tâm giúp các thừa sai trong công trình truyền giáo. Cứ từng hai người, các chị chia nhau đi khắp thôn làng, giả dạng bán thuốc viên, âm thầm nâng đỡ an ủi các tín hữu neo đơn, rửa tội cho trẻ em sắp chết hoặc sơ sinh. Các chị cũng là những “liên lạc viên tin tưởng” của các linh mục, các thày giảng và các họ đạo lẻ loi… Để chu toàn những công tác truyền giáo này, các chị đã chia sẻ với các thừa sai, thày giảng và giáo dân mọi nơi lao lung của thời cấm đạo: che dấu các thừa sai và thày giảng, cất giấu các đồ thờ phượng, liên lạc tin tức về những vụ bắt bớ thăm nuôi các tù nhân đức tin, có mặt để chứng kiến các vụ hành xử tại tòa hay nơi pháp truờng, và khi có thể, cùng với giáo dân lo táng xác các anh hùng tử đạo… Ai kể ra hết được những cơ cực các chị đã chịu đựng cách can đảm khi thi hành những công việc truyền giáo như trên: bị vu khống, cáo gian, đuổi bắt, đánh đòn, hãm hiếp, bị bắt giam tù đày, bị chết đói, voi giày… Các chị đáng thuộc vào hàng trinh nữ Giáo Hội ngợi khen:
Xin trân trọng hát mừng chư thánh nữ,
Đã quyết tâm hầu hạ Chúa tận tình,
Theo mẫu gương được Kinh Thánh tôn vinh,
Gương phụ nữ đảm đang hằng thúc đẩy.
Mặc trần gian, ngày giăng cạm bẫy,
Đây một lòng xin tuân phục ý Cha,
Đã tốn công gieo rắc chẳng nể hà,
Hương ngào ngạt Chúa Kitô khắp cõi…
Bảo thạch giấu trong bình mỏng manh,
Thương tình nhi nữ Chúa đổi ra,
Những trang liệt phụ từng chiến thắng,
Tiết hạnh gương trong thật chói lòa…
(Kinh sáng và chiều lễ các Trinh Nữ)
Không xa với những lời kinh của Giáo Hội, văn hóa bình dân của Việt Nam cũng như những ý tưởng cao đẹp của các nhà nho từ xa xưa, còn để lại trăm ngàn lời ca tụng những con người “đạo hạnh, quên mình, sông có lý tưởng” như các trinh nữ trong thời cấm đạo. Tuy không phải là “con ông cháu cha”, có “nhà cao cửa rộng”, nhưng họ là những người thường dân “an bần lạc đạo”, “có rau ăn rau, có cháo ăn cháo”, “ăn ngay ở lành” và “sống cần kiệm liêm chính”. Lý tưỏng của họ là “cứu nhân độ thế” là “cứu nhất nhân, đắc vạn phúc”, “sống sao cho đẹp ý Trời”. Sống cơ khổ giữa đồng bào, họ quả thật là “băng thanh ngọc khiết”. Nghĩa là họ có khí tiết thanh cao như băng tuyết, tinh trong như ngọc qúy. Bài thơ cổ sau đây có thể coi là những lời đẹp ý sâu ca ngợi “những bông hoa trinh nữ trong thời cấm đạo”:
Hương tỏa trùng, điệp điệp trong,
Hoa Ưu-đàm nở, rỡ trời đông,
Đất linh giống qúy, ngàn năm hội,
Nước ngọc chan hòa, vạn vật sung. (Cụ đồ Võ Văn Bảy)
Trong thỉnh nguyện thư ngày 14.11.1917, đệ đơn xin phong chân phước cho 1265 anh hùng tử đạo, trong đó có 270 nữ tu Mến Thánh Giá, tức là 270 bông hoa trinh nữ trong thời cấm đạo. Sau đây, chúng ta chỉ nêu lên 11 trường hợp tiêu biểu.
1. Chị Elisabeth Ngọ
Chị Elisabeth Ngọ ở Cái Mơn bị bắt và bị đánh đập bất tỉnh, ngất đi nhiều lần. Quân lính kéo chị qua Thánh Giá, nhưng chị tỉnh dậy đã vùng vằng gồng mình cầm Thánh Giá và hô lớn: “Hoan hô và vạn tuế Chúa Giêsu”. (Nguyễn Hồng, Lịch Sử Truyền Giáo ở VN)
2. Chị Anna Kiêm và Anê Thanh
Chị Anna Kiêm và chị Anê Thanh cùng bị bắt trói lôi ra đình làng rồi giam chung với bà Thánh Anê Đê tại Phúc Nhạc, Phát Diệm ngày 14.4.1841. Hai chị và Thánh Đê bị lôi qua Thánh Giá, cả ba đồng kêu lên “Con không bỏ Chúa, nhưng con là đàn bà yếu đuối họ cố lôi con qua”. Thánh Đê vì lớn tuổi nên họ kiêng nể không bị làm nhục. Thấy hai chị dòng còn trẻ, họ lột trần trước mặt công chúng. Một chị thẳng thắn chỉ tay vào mặt quan nói: “Quan làm xấu mặt xỉ nhục chúng tôi là đàn bà, là quan làm xấu chính vợ quan đó”. Quan thẹn xấu hổ và ra lệnh ngưng trò nham nhở bỉ ổi đó ngay. Lần khác, dã man và ghê rợn hơn, quan ra lệnh thả rắn vào bên trong quần áo hai chị. Rắn trở nên hiền, ngoan ngoãn từ từ chui ra ngoài (DMAH 3, tr.26-27).
3. Ba nữ tu đầu tiên ở Đàng Ngoài.
Từ 1660, thời kỳ hoạt động mạnh nhất của các cha Dòng Tên cũng là thời xôi động nhất thời cấm đạo. Các cha đã thấy có nhiều phụ nữ sống độc thân đời tận hiến. Cố Khánh (Cha Marcel Henri Ravier, MEP) đã ghi lại ba chị “nữ tu” đầu tiên, không rõ tên, trong cuốn Sử Ký Hội Thánh: “Bấy giờ có ba người nữ xứ Đàng Ngoài đã khấn giữ mình đồng trinh trọn đời. Thoạt nghe tin chúa ra chỉ cấm đạo, thì họ đến Kẻ Chợ (Hà Nội) cho được xưng đạo ra trước mặt Chúa. Khi đi dọc đường họ phải chịu nhiều sự khổ sở. Song đến Kẻ Chợ, thì chúa đã tha đạo rồi. Bấy giờ ba người nữ ấy dốc lòng chẳng hề lìa nhau cho được tập đàng nhân đức. Có lời truyền rằng nhà Mụ ở Bái Vàng trong tỉnh Hà Nội là nhà Mụ đầu tiên trong nước Annam. Phỏng thì ba người nữ ấy đã lập ra. Ấy là gốc tích nhà Mụ”. (Dòng Mến Thánh Giá).
4. Hai chị Mến Thánh Giá khấn đầu tiên
Trong thư đề ngày 1.1.1667, từ Kiên Lao, cha François Deydier (MEP, Phan), sau làm giám mục Đông Bắc Đàng Ngoài (Hải Phòng, 1637-1679- 1693) viết cho Đức Cha François Pallu, giám mục Đàng Ngoài, kể lại rằng: Tại Kiên Lao và Bái Vàng, có tới 30 thiếu nữ và bà góa rất đạo đức và giàu tinh thần tận hiến, Cha đang hướng dẫn. Cha ước ao tập họp họ lại thành cộng đoàn, nhưng bận việc và không có thủ bản lập hội. Ba năm sau, 1670, Đức Cha Lambert de la Motte ban hành sắc lệnh thành lập Dòng Mến Thánh Giá ở Kiên Lao (Nam Định) và Bái Vàng (Hà Nam).
Ngày lễ tro 26.2.1670, tại nhà dòng MếnThánh Giá Kiên Lao, hai chị được khấn đầu là Anê và Paula, với ba lời khấn: đồng trinh, khó nghèo và vâng lời. Luật dòng đã được đức giáo hoàng Innocentê XI phê chuẩn ngày 28.8.1678, với nhiều ân xá. Bản luật Dòng được đức cha Lambert de la Motte soạn thảo từ Juthia Thái Lan. Dòng Mến Thánh Giá chính thức hoạt động và đi vào lịch sử Giáo Hội Việt Nam. Năm sau, 1671, đức cha lập thêm nhà dòng thứ hai ở địa phận Đàng Trong, tại An Xi (hay An Kỳ) Quảng Ngãi. Bà Luxia, một quả phụ đạo đức dâng một ngôi nhà và tài sản để mở Dòng cho 10 chị. Chị bề trên là em Cha Giuse Trang, linh mục đầu tiên được đức cha Lambert de la Motte truyền chức ngày 31.3.1668. Tháng 9.1675, đức cha mới trở lại An Xi, nhận lời khấn của các chị đầu tiên trong số 12 chị. Rất tiếc là không biết tên các chị. Đức cha rất hài lòng về đời sống đạo đức và tinh thần giữ luật Dòng của các chị. (Hội Dòng Mến Thánh Giá, Los Angeles, 25 năm hoạt động tại Hoa Kỳ, 1975-2000, tr.21)
5. Cô Vitta
Theo lời kể của cha Pina, cô Vitta bị một tên xấc láo, đè dao lên ngực cô hăm dọa sẽ giết nếu không theo và sống với hắn. Cô trả lời một cách đanh thép: “Được, mi có thể chém mạng ta, nhưng không cất danh dự thân xác ta đã dâng cho Thiên Chúa”. Rồi cô vỗ ngực nói tiếp: “Đây mi cứ đâm đi, bất cứ chỗ nào, ta vui lòng chết ngàn lần hơn theo ý dâm đãng và phạm tội phản lại Thiên Chúa ta tôn thờ”. Tên lính bỏ chạy. Cô Vitta thoát nạn an toàn.
6. Cô Pia
Cuối thời kỳ Cha Đắc Lộ ở Đàng Ngoài, 1627-1630, có cô Pia cương quyết giữ trinh khiết với bất cứ giá nào. Cha mẹ và người bố nuôi còn ngoại, muốn cô làm vợ nhỏ bố nuôi và hứa hẹn nhiều lợi lộc. Nhưng cô đã hiểu được giá trị của đức trinh khiết, hiến dâng cho Chúa qua các bài giảng giáo lý. Cô từ chối lời dụ dỗ của cha mẹ và người nuôi, nói là thà chết không làm điều vô luân này. Dỗ dành không được như mong muốn, người bố nuôi hăm dọa đủ điều, bắt cô bỏ đạo. Hắn hành hạ, đánh đập cô tàn nhẫn, quất roi tàn nhẫn lên thân xác yếu ớt của người trinh nữ. Cô đau liệt giường, yếu sức vì roi vọt. Tên bạo hành nổi cơn điên định giết cô. Biết trước ý định xấu xa này, cô chạy trốn thoát vào nhà bà Phanxica, một gia đình đạo hạnh và thương người.
7. Cô Monica, Nympha cùng với cô Phanchia
Ba cô ra kinh đô (Hà Nội) tĩnh tâm và chịu các phép Bí Tích. Dọc đường ba người này bị lính chận đường hỏi theo đạo nào? Mấy cô không hổ thẹn đã can đảm xưng đạo rõ ràng. Lính bắt, bịt mắt lại rồi vứt xuống hố, lấp đất cho tới cổ. Tới sáng, giáo dân tình cờ đi qua, thấy vậy mới bới móc lên. Ba cô này sống một nơi riêng cùng với mấy cô khác khấn đồng trinh. Họ thành lập như tu viện và sống rất thánh thiện
8. Chị Mến Thánh Giá Anna Nguyễn Thị Nhường
Thánh Anrê Nguyễn Kim Thông thường gọi là Nam Thông (Qui Nhơn, 1790-1855) có hai người con đi tu là cha Nguyễn Kim Thu và chị dòng Mến Thánh Giá Anna Nguyễn Thị Nhường. Cha Thu đã giải tội cho ông thân sinh trong giờ sau hết và an táng ông tại Gò Thị. Chị Nhường tu trong dòng Mến Thánh Gia Qui Nhơn. Trong thời gian bố làm trùm họ, chị luôn sống bên cạnh bố giúp các thừa sai ẩn trốn và săn sóc các trẻ em trong cô nhi viện. Người bố là thánh, làm sao không ảnh hưởng đến chị Anna Nhường? (Thiên Hùng Sử tr. 251)
9. Chị Thủ, Dòng Mến Thánh Giá.
Chị là con của Thánh Mathêu Nguyễn Văn Phượng (Huế, 1808-1861). Thánh Phượng có 8 người con, trong đó Chị Thủ thuộc dòng Mến Thánh Giá Huế. Mẹ mất sớm, lúc ấy Thánh Phượng mới 50 tuổi. Chị Thủ thay mẹ chăm sóc và giáo dục các em. Đến sau, chẳng may chồng người chị cả cũng mất. Thế là ba cha con vừa lo việc nhà, vừa chia nhau thăm bệnh nhân và người nghèo trong vùng. Đặc biệt bao che cất giấu cha thánh Gioan Đoàn Trinh Hoan trong nhà nhiều ngày. Chị Thủ và hai em trai có mặt lúc hai thánh Phượng và Hoan bị chém đầu. (Thiên Hùng Sử tr.140)
10. Chị Mến Thánh Giá Maria Catarina Diên.
Chị Maria Catarina Diên (1908-1944) sinh quán ở Thành Đức, Cách Tâm, Phát Diệm. Năm 14 tuổi Chị được nhiều trai làng ngắm nghé, và một chàng trai say mê đắm đuối. Nhưng Chị quyết theo tiếng gọi của Chúa, xin vào tu dòng Mến Thánh Giá Lưu Phương Phát Diệm, năm 17 tuổi. Từ khi nhập dòng, Chị Diên là tu sỹ rất đạo hạnh và nhiều nhân đức. Mẹ bề trên và chị em đều cho là gương mẫu để bắt chước. Từ tháng 9.1924, kéo dài ba năm, ma quỉ tìm cách quấy phá đời sống tu trì và đường nên thánh của Chị. Như: hành hạ thân xác Chị, làm ồn ào huyên náo cả tu viện. Khiến các chị khác trong dòng sợ hãi. Đức cha Louis Cooman Hành, giám mục Thanh Hóa và tuyên úy dòng Mến Thánh Giá đến tận nơi trừ qủi theo nghi thức Giáo Hội. Từ đó, chị tiếp tục sống bình thường thánh thiện và được đặt làm bề trên nhà tập. Chị được Chúa “hiện ra” nhiều lần kêu gọi chị hiệp thông với cuộc tử nạn của Ngài để cứu rỗi các linh hồn. Chị qua đời cách lành thánh tại dòng Mến Thánh Giá Thanh Hóa, ngày 16.8.1944.
Đức Cha Louis de Cooman Hành đã viết sách xác nhận có sự việc này, và trong lời tựa cuốn sách “Qủy trong tu viện và bà bề trên Maria Catarina Diên” (Le Diable au Couvent et Mère Marie Catherine Dien. Paris 1962), đức cha đã viết kêu gọi thận trọng và về ý nghĩa sự kiện này rằng: “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma qủi, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé (1P 5, 8). Thiên Chúa nguồn mọi ân sủng, là Đấng kêu gọi anh em vào vinh quang đời đời của Người trong Đức Kitô, sẽ cho anh em những kẻ phải chịu khổ ít lâu, được hoàn thiện, vững vàng mạnh mẽ và kiên cường” (1P 5, 10). Đức cha kết luận: “Chúng tôi hy vọng rằng gương đồng trinh của Chị Catherine Dien là do hồng ân Chúa ban và để làm vinh danh Giáo Hội Việt Nam, nhờ máu đào của đông đảo các Tử Đạo Việt Nam” (8)
11. Chị Maria Mađalêna Nguyễn Thị Hậu, nữ tu Mến Thánh Giá tử đạo đầu tiên (Huế, 1814-1841)
1) Gia thế: Nữ tu Maria Mađalêna Hậu là người con sinh đôi năm 1814, tại Nhu Lý, Huế, và có em trai ở chủng viện với Đức Cha Lefebvre Ngãi. Cha mẹ mất sớm nên ở nhà người cậu là thánh lương y Simon Phan Đắc Hòa. Em gái song sinh cùng tu trong dòng Mến Thánh Giá Nhu Lý, từ bé. Cả hai được tiếng là chuyên chăm trong đời sống tu. Nhà Thánh Simon Hòa hay Dòng Mến Thánh Giá cũng là một. Để tránh truy bắt, các nữ tu đã khai ở nhà lương y Hòa. Nữ tu cũng làm ăn lam lũ như dân làng. Một chút phân biệt nữ tu Mến Thánh Giá với giáo dân, là nữ tu mặc áo đen. Đôi khi người ta kính trọng thì gọi các nữ tu là “mụ”. Như Mụ Khiêm là bề trên dòng Mến Thánh Giá ở Nhu Lý bấy giờ.
Từ 1833, sắc chỉ cấm đạo của Minh Mạng, đức cha Delamotte Y đã chỉ thị cho các nữ tu chuẩn bị đương đầu với thử thách sắp đến. Và Đức Cha bỏ Nhu Lý lánh nạn lúc qua Dương Sơn, lúc ở Nhu Lâm, lại trở về Nhu Lý sống trong nhà Dòng Nhu Lý. Trong thời gian này các thừa sai và lương y Hòa trốn chạy trên thuyền, bồng bênh nay đây mai đó.
2). Bị bắt: Đêm 12.4.1839, Đức cha Gilles Joseph Louis Delamotte Y bị bắt trên thuyền có hai chị dòng Mến Thánh Giá là Mađalêna Hậu và Maria Vững, thầy Phê, ông Truật và lương y Hòa. Hai chị có nhiệm vụ đem hành lý của đức cha Delamotte. Khi thấy lính ép thuyền vào bờ hai chị đã ném nhiều đồ thờ xuống sông.
Tất cả được giải về nhà giam ở Quảng Trị. Sau, phụ nữ giam riêng ở Trấn Thủ, Huế. Tù nhân được dạy bỏ đạo bằng cách đạp Thánh Giá. Nhưng không ai chịu theo. Ngày 12.12.1840, lương y Hòa bị chém đầu.
Riêng chị Hậu bị đánh đập dã man và xỉ nhục mọi cách. Chị bị trói hai chân tay, đứng trong chậu nước gạo rồi cho trùng từ từ chui vào trong quần áo chị. Sau mới bắt chị quì trên tấm ván có đinh. Quan ngạc nhiên trước lòng kiên trì và hiên ngang của người phụ nữ trẻ này. Quan nói: “Kỳ lạ, thị này đã thấy cái chết kề bên mà không sợ hãi. Nếu chịu chà đạp Thánh Giá sẽ được tha’’. Chị trả lời: “Xin cứ chém tôi ra làm ba, tôi sẵn sàng hứng chịu, nhưng đạp Thánh giá dưới chân, thì tôi không bao giờ ưng chịu cả’’. Chị Hậu bị đày làm nô tỳ đi Trạch Nguyên, và chị Vững đi Thượng Lão một thời gian. Sau, hai chị được thả về nhà Dòng. Chị Hậu bị chất độc hại và qua đời, lúc 27 tuổi, 29.1.1841. Nhiều sử gia coi chị như Nữ Tu Mến Thánh Giá đầu tiên Tử Đạo.
3) Chứng từ về gương tử đạo của Chị Hậu
§Báo Annales de la Propagation de la Foi, xuất bản ở Lyon, trích đăng lời chứng của một thừa sai về Chị Hậu như sau: “Sau một năm trời chị Hậu chịu tra tấn và tù đày làm kiệt quệ khí huyết. Sau 10 ngày đau ốm, được nâng đỡ bằng bí tích cuối cùng của Hội Thánh. Chị qua đời ngày 30.1.1841. Dù sự hy sinh của Chị không hoàn tất do lưỡi gươm. Chị thật xứng đáng được vào sổ những vị tử đạo sáng chói nhất của Giáo Hội An Nam”. (số 16, 1844, tr. 51-60)
§Đức cha Guenot Thể, giám mục Đàng Trong, tử đạo 1861, được phong thánh 1988, là người lập hồ sơ phong thánh gửi cho đức giáo hoàng Grêgoriô XVI đã phân tích 3 hạng anh hùng tuyên xưng đức tin: 1) Các vị trực tiếp chết vì đạo. 2) Các vị chết trong tù vì đức tin. 3) Các vị chết vì các cực hình đã chịu. Chị Hậu thuộc hạng 3. Ngài viết: chị Hậu và chị Vững bị kết án lưu đày vì nhất quyết không bỏ đạo. Nhưng được quan cai trị tại chỗ là công giáo, ông cho hai chị về nhà ông rồi lại cho hai chị về Phủ Cam sống với các chị khác trong cộng đoàn. Liền sau đó Chị ngã bệnh, 10 ngày chị an nghỉ trong Chúa. Chị không chết trên trận chiến, nhưng đủ bằng cớ để tin rằng cơn bệnh, cái chết của Chị là do thời gian dài tù đày và tra tấn hành hạ. (7.1.1842)
§Đức cha Lefebvre Ngãi, giám mục phụ tá đức cha Thể viết trong phúc trình: Chị Hậu xứng đáng lên trời lãnh triều thiên của những anh hùng đức tin.
§Đức cha Retord Liêu, giám mục Tây Đàng Ngoài viết thư gửi về Lyon: chị Hậu bị bắt cùng với đức cha Delamotte, và bị án lưu đày. Theo tôi nghĩ Chị được coi như vị tử đạo. (9)
III. CÁC NỮ ANH HÙNG TỬ ĐẠO
Trong thời gian bắt đạo, suốt từ Bắc tới Nam có nhiều phụ nữ can đảm xưng đạo, lấy mạng sống để bảo vệ đức tin, lấy máu đào tưới hạt giống Phúc Âm. Chưa có con số thống kê chính thức về các nữ anh hùng tử đạo không phải là nữ tu. Tuy nhiên không phải là con số nhỏ. Đọc những trường hợp chúng ta có thể nêu danh dưới đây, làm sao chúng ta không cảm nghiệm được rằng: Đời sống đức tin của các ngài đã trở thành ngọn đuốc thắp sáng nền văn hóa Việt Nam với những phụ nữ, tuy “mai danh ẩn tích” và “gội gió dầm mưa” nhưng “đã quyết thì hành”, “đã tin thì sống”, “hữu thủy hữu chung”, “Yêu Chúa xin quyết một lòng”, “khẩu tâm như nhất”, nên “Yêu Đạo đến thác vẫn còn yêu”…
Qủa thật, các nữ anh hùng tử đạo, là những “cành vàng lá ngọc” của Giáo Hội Việt Nam, của Dân Tộc Việt Nam và, do đó, của nền văn hóa Việt Nam. Tuy vắn gọn, những tích chuyện tử đạo dưới đây minh chứng điều đó. Các ngài không còn là “nữ nhi thường tình”, nhưng đã trở thành những “anh hùng cái thế” về luân thường đạo lý, về quan niệm tự do tín ngưỡng, về ý chí đi tìm chân-thiện-mỹ, về những đức tính kiên trì, dũng cảm… của người Việt Nam. Là “phận nữ” và chỉ là “con số nhỏ”, nhưng qủa thật, các người nữ tử đạo là “chục suối nước trong, giữa trăm dòng suối nước đục”. Tuy “mai danh ẩn tích”, nhưng dưới nhiều hình thức, đời sống và cái chết của các ngài thật “oanh oanh liệt liệt”, nghĩa là đầy chiến công vang dội, lừng lẫy, đầy kì tích rực rỡ, sáng ngời. Qủa đúng như lời Giáo Hội tung hô:
Thế gian bách hại nhưng đã thắng,
Thể xác đớn đau vẫn coi thường
Cái chết oai hùng con đường thẳng,
Khải hoàn thiên quốc chính quê hương. (Kinh Sáng Lễ Tử Đạo)
Dựa theo các sử liệu chính xác, chúng ta trưng dẫn dưới đây những tích truyện của một số nữ anh hùng tử đạo Việt Nam
1. Em Lucia và bà Maria,
Chính tại Hội An, Quảng Nam, ngày 6.2.1665, em Lucia và bà Maria cùng bị xử một ngày với bốn giáo dân khác là ông trùm Toma Tin, Toma Nghệ, Benedicto và Dominico. Không sợ chết, trước mặt quan quân, Ông trùm Tin hùng hồn biện hộ và xưng đức tin. Bốn vị cương quyết không đạp hay bước qua Thánh Giá. Riêng em Lucia 12 tuổi cùng với bà Maria rẽ đám đông, ra đứng ngay trước mặt quan án tuyên xưng đức tin. Em dõng dạc thưa với quan: “Tôi là con gái ông Phêrô Kỳ, người mà nhà vua ra lệnh giết vì theo đạo Kitô. Từ đó, tôi ao ước mong được vinh dự ấy, nhưng các quan cho tôi là con nít, không nỡ đổ máu. Hôm nay tôi và bà Maria này, chúng tôi tự ý đến xưng đạo trước mặt quan. Chúng tôi sẵn sàng và xin cho voi giày thân xác để vinh danh Chúa cao cả trời đất”. Quan án bỡ ngỡ trước chí khí can trường của em, nhưng vẫn ra lệnh cho lính đem em đi xử. Trên đường ra pháp trường, cả 6 người đều vui vẻ hiên ngang. Người ngoại giáo thấy chế nhạo em Lucia là điên khùng. Em bình tĩnh trả lời: “Tôi bình tĩnh hơn bao giờ hết. Chết ở đây là vinh dự, tại sao các người trách tôi hiến dâng mạng sống vì Chúa”. Đến pháp trường, bốn vị trùm trưởng được xử trước. Đầu rơi xuống. Bà Maria và Lucia đứng chờ tới phiên mình. Voi húc em hai lần tung lên trời cho rơi xuống đất. Em tắt thở khi vừa rơi xuống đất. Còn bà Maria chết ngay khi bị voi húc cú đầu. Hai nữ anh hùng tuẫn tiết vì đạo (DMAH 1, tr.60-63).
2. Bà Agnès Bưởi
Ngày 8.11.1700, bà bị bắt trong khi đưa xác cha mình từ Đồng Nai về Nha Trang, một đám tang theo nghi thức công giáo. Bà bị điệu vào tù. Hai con bà 7 và 10 tuổi đi theo đến cửa nhà tù, trong khi chồng bà đi công tác xa. Mẹ bị tống ngục, hai con ở ngoài khóc sướt mướt, không gặp mẹ, đành trở về nhà. Về nhà thấy con khóc vì vắng mẹ, ông liền đem con đến nhà tù khuyên dụ vợ bỏ đạo về với chồng con. Trước cảnh đau lòng này, bà can đảm căn dặn chồng: “Em xin anh đem hai con về chăm sóc và dạy dỗ con biết kính Chúa, yêu người và nhắc nhở con rằng em vẫn nhớ đến anh và các con trên thiên đàng. Em hy vọng sớm được tuyên xưng đức tin”. Bà được phúc tử đạo ngày 25.12.1700, lễ Giáng Sinh (DMAH 1, tr. 77-79).
3. Bà Monica Sum
Người làng An Trạch, Quảng Nam, bà Monica Sum là người can đảm và có đức tin vững mạnh và còn khuyến khích được nhiều người khác không nao núng trước cơn cấm cách hiểm nghèo. Bà bị bắt và cùng bị xử với 10 người cùng quê. Khi hay tin có chiếu vua cấm đạo, bà sai con lén lút về kinh thăm dò tin tức. Có tin chắc chắn bà liền chôn giấu đồ thánh và đem con trốn lên núi. Không may, bà bị quân lính rượt theo. Bà trốn sang làng bên cạnh, và chỉ để một con nhỏ ở nhà coi nhà. Em bé thấy lính ập tới, liền trèo lên cây, nhưng cũng bị bắt. Đến chiều hay tin, bà liền chạy về nhà tự nộp để chuộc con. Bị giam trong tù, bà bí mật nhắn gọi đứa con 14 tuổi đến căn dặn: “Con chịu khó về kinh đô sống trà trộn với người ta. Mẹ sợ con còn nhỏ dại, nếu thấy gươm giáo đe dọa con chưa đủ can đảm khiếp sợ rồi chối đạo thì hỏng cả đời con. Còn em nhỏ, con đem gửi chú”. Con đừng lo cho mẹ làm gì. Con nghe lời mẹ nhé. Bà bị giam cùng với năm người đàn ông và hai bà khác. Sau một tháng bị giam cầm tra khảo, tất cả được giải về kinh đô, bị bỏ đói và lần lượt chết trong tù, khoảng năm 1700 (DMAH 1, tr.80-85).
4. Bà giúp việc Minh Vương
Không rõ danh tánh chỉ biết bà là “người giúp việc” trong hoàng cung, lo may vá dọn dẹp. Nhà vua biết bà có đạo, bắt bà bỏ đạo. Bà không chịu. Nên nhà vua giận dữ bắt bà giang tay ra đánh và tát túi bụi. Vua còn chỉ thị cho các hoạn quan tra tấn, cắm kim khâu vào đầu 10 ngón tay. Độc ác nhất tẩm dầu vào vải cuộn và đốt các ngón tay. Nhà vua ráo riết hành hạ để bà chối đạo. Bà cương quyết trung kiên để được “rỗi linh hồn”. Không tha, cuối cùng vua ra lệnh đem bà cho voi giầy. Nghĩ lại bà là người trung thành từ trước đến nay, nên vua rút lại lệnh này… Chính bà khi nghe tin bà Monica Sum được điệu về kinh và bị nhốt trong chuồng voi, bà đã đến tận nơi khuyến khích kể lại gian lao đời làm “nô lệ” của bà và vạch cho các bạn tù những vết thương bà bị hành hạ. Bà đã khuyên các bạn: “Anh chị em hãy can đảm và sẵn sàng đón nhận gian lao đau khổ để được sống trong vinh quang bất diệt”. Biết không làm gì được bà, hơn nữa lại bị lương tâm giày vò, vua trao bà cho quan trấn Quảng Nam xét xử. Bà được nhốt chung với nhóm bà Monica Sum và bị bỏ đói cho chết, năm 1700 (DMAH 1, tr. 83-85).
5. Bốn nữ tử đạo tại Ba Giòng, Mỹ Tho.
Năm 1861, tại Ba Giòng, Tân Lý Đông, cách Mỹ Tho khoảng 20 cây số về phía bắc, có tới 600 giáo dân bị bắt nhốt trong trại giam. Họ bị dẫn giải dồn ép ra chợ, có lính bao vây và bắt quá khóa. Trong đó có 25 người bị chém đầu, được phúc tử đạo. Nhưng có ba bà và một thiếu nữ sợ quá đã bước qua Thánh Giá. Thấy thế, mẹ cô này la lớn: “Con tôi, sao con làm thế”. Cô thức tỉnh ngay quay trở lại quì hôn Thánh Giá. Cô dùng Thánh Giá thấm vào máu nóng của các bạn tử đạo, rồi giơ lên nói với ba bà kia: “Các bà đã làm tôi vào vòng tội lỗi, hãy bắt chước tôi ăn năn hối lỗi”. Lập tức ba bà kia khóc lóc kêu van thảm thiết lặp đi lặp lại: “Chúng tôi muốn chết, chúng tôi muốn chết… ”. Nhiều người chung quanh thấy vậy cũng la lên: “Cả chúng tôi nữa”. Người lương đứng nhìn thán phục lòng quả cảm của chị em phụ nữ đồng thanh nói: “Hoan hô chị em công giáo, khốn cho ai đụng đến thân xác họ”. (Paul Antoni, L’Annam, Le Tonkin)
6. Cô Madalena và 106 phụ nữ ở Bà Rịa
Ngày 14.12.1861, Pháp khởi công chiếm Biên Hòa, bắt đầu từ Gò Công, đến Mỹ Tho, qua sông Đồng Nai. Tại đây, có sẵn một trại chứa 400 tín hữu. Trước khi rút về Bà Rịa, Nguyễn Tri Phương cho đốt trại này. Chỉ còn chạy thoát có 5 người: Một thiếu nữ nhảy lên cây cao, bị cháy hai bắp đùi, sau cũng qua đời tại Sàigon. Cô Madalena, bị lưỡi đòng lướt qua đầu, cô ngất đi, lính tưởng chết, bỏ đi. Cô là người kể lại cảnh cháy rùng rợn giữa tiếng cầu kinh và kêu cứu… Ngày 7.1.1862, quân Pháp tiến giải vây cho các trại ở Bà Rịa. Trước khi chạy thoát, quân Nguyễn đốt trại người lớn, còn 3 trại trẻ em thì mở cửa cho các em ra. Tất cả đều bị thiêu sống, có 288 đàn ông và 106 đàn bà và 50 trẻ em, ngay trên nền nhà thờ Bà Rịa. Các chiến sỹ anh hùng của Bà Rịa vẫn thản nhiên đọc kinh lần hạt trong ánh lửa bập bùng cháy cho tới khi tàn lụi. Gan dạ thay những nữ anh hùng. Người ta phải đào 3 huyệt lớn để chôn tử thi. (Viết theo VietCatholic New, 6.12.2005)
7. Bà Lựu
Bà là chủ nhà thường xuyên chứa thánh Stephano Teodoro Thể. Ngày 27.10.1861, tại Bình Định, Đức cha Thể và hai chủng sinh trốn trong nhà bà Lựu. Vừa làm lễ xong ba người bị bắt. Bà Lựu chủ nhà cũng bị bắt luôn, bị đánh đập đeo gông và tống giam tại Bình Định. Nhà bà Lựu bị phá bình địa, và tài sản bị tịch thu. Đức cha Thể chết rũ tù đêm 14.11.1861. Những chứng nhân cùng bị bắt đều bị tử hình. Tháng 12.1861, Bà Lựu ra pháp trường, vừa đi bà vừa ẵm cho con bú. Tới nơi xử, bà hôn con rồi trao cháu cho bà ngoại. Người mẹ tử đạo để lại bốn người con nhỏ dại. Thiên Chúa đón nhận người mẹ tử đạo về Thiên Quốc và không để các con bà mồ côi (x. DMAH 3, tr.306-307)
8. Thánh Anê Lê Thị Thành.
Đây là người nữ tử đạo duy nhất được tuyên phong Hiển Thánh. Vì thế, ngay từ thời thánh Philippê Phan Văn Minh (1815-1853) đời sống và cuộc tử đạo của thánh nữ đã được phổ biến sâu rộng trong dân chúng. Theo khuôn khổ của chương sách, dưới đây chúng ta chỉ xin tóm lược: Thánh Anê Lê Thị Thành, người ta quen gọi là bà Đê, sinh khoản năm 1781 tại Bái Đền thuộc tỉnh Thanh Hóa. Ngay từ nhỏ, bà đã theo mẹ về quê ngoại ở làng Phúc Nhạc trong tỉnh Ninh Bình. Tại đây, năm 17 tuổi, bà lập gia đình với ông Nguyễn Văn Nhất. Về sau được gọi là bà Đê theo tên con trai cả. Bà thật là tấm gương sáng chói về đạo hạnh cho các bà mẹ công giáo, rất qúy mến và giúp đỡ các linh mục trong thời cấm đạo. Chính đó là lý do bà bị bắt giải về Nam Dịnh, vào tháng 3 năm 1841, đời vua Thiệu Trị. Trong ngục, mặc dù phải chịu đòn đau đớn nhiều lần, và tuy là phận, bà vẫn một lòng trung kiên tuyên xưng đức tin công giáo. Vì chịu quá nhiều cực hình, thân thể dầy thương tích, lại không ăn uống được, bà kiệt sức và chết rũ tù vào ngày 12.7.1841. Đức giáo hoàng Piô X đã tôn phong bà lên hàng Chân Phước ngày 2.5.1909, và Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nâng bà lên hàng Hiển Thánh ngày 19.6.1988 (DMAH 3, tr.23-30).
Thánh Philippê Phan Van Minh đã viết một bài vãn “Inê Tử Đạo” dài 561 câu bằng tiếng Việt rồi dịch sang tiếng latinh. Sau đây là những câu cuối của bài vãn, chúng ta trưng dẫn để cùng với thánh Philippê Phan Văn Minh ca ngợi thánh Anê Lê Thị Thành, đồng thời ngợi khen tất cả các Nữ Anh Hùng Tử Đạo Việt Nam:
Hạnh này công đã nên người,
Nguyệt in dường nguyệt tốt tươi khôn bì,
Linh hồn tới chốn lưu li,
Thanh nhàn tử tại oai nghi rõ ràng.
Công danh ghi tạc bia vàng,
Trong đời có một nên gương trong đời.
IV. NHỮNG BÀ MẸ GIA ĐÌNH ĐẠO HẠNH VÀ DŨNG CẢM TRONG THỜI CẤM ĐẠO
Người phụ nữ giữ vai trò rất quan trọng trong việc giáo dục con cái và xây dựng hạnh phúc gia đình. Trong thời bách đạo, giai đoạn cam go nhất của lịch sử Giáo Hội Việt Nam, chúng ta không thiếu những người vợ đảm đang và những bà mẹ gương mẫu. Chính nhờ các bà mà Giáo Hội Việt Nam có những gia đình nồng cốt, những anh hùng tử đạo dũng cảm. Chúng ta không sợ quá lời khi nói lên rằng:
ŸTrước tiên, với lòng đạo đức chân thành từ trong bổn phận gia đình, các bà là nhân chứng của những lời Thánh Kinh Cựu Ước nói về các bà vợ đảm đang và các bà mẹ gương mẫu: “Tìm đâu ra đưọc một người vợ đảm đang? Nàng qúy giá vượt xa châu ngọc. Chồng nàng hết dạ tin tưởng nàng, chàng sẽ chẳng thiếu chi lợi lộc. Suốt đời nàng đem lại hạnh phúc, chứ không gây tai họa cho chồng… Nàng rộng tay giúp người nghèo khó và đưa tay cứu kẻ khốn cùng… Chồng nàng được tiếng thơm nơi cổng thành, khi ngồi chung với hàng kỳ mục trong dân… Nàng khôn ngoan trong lời ăn tiếng nói và dịu hiền khi dạy dỗ con cái. Nàng để mắt trông nom mọi việc trong nhà, bánh ăn là do mồ hôi nước mắt nàng làm ra. Con nàng đứng lên ca tụng nàng có phúc, chồng nàng cũng luôn tấm tắc ngợi khen… Duyên dáng là giá trả, sắc đẹp là phù vân, chỉ người nữ kính sợ Thiên Chúa, mới đáng được người đời ca tụng” (Cn 31,10-31). Quả thật “tìm được người vợ thục hiền và có được bà mẹ nhân đức là tìm được hạnh phúc, và nhận được ơn Thiên Chúa ban cho” (Cn 18,22).
Ÿ Thứ đến, với tư chất và phong thái của người phụ nữ Việt Nam thuần thục, các bà vừa làm sáng tỏ, vừa đổi mới và Phúc Âm hóa những bổn phận theo “Tam Tòng” (tòng phụ, tòng phu, tòng tử và “Tứ đức” (công, dung, ngôn hạnh) của người phụ nữ Việt Nam, trong gia đình và ngoài xã hội. Ngày theo ngày, với ơn Chúa nâng đỡ, các bà cố gắng sống “tu nhân tích đức” cho bản thân, “tương thân tương ái” trong gia đình, và “từ bi bác ái” với mọi người. Nói tắt đời sống đức tin và bổn phận của các bà trong xã hội sa đọa của thời cấm đạo, chứng tỏ mạnh mẽ: các bà là những người vợ, người mẹ muốn đem hết tâm lực để “vãn hồi thê đạo”. Có thể nói, các bà làm sáng lên hình ảnh của một người Việt Nam khôn ngoan được miêu tả trong văn hóa bình dân:
Chữ nhẫn là chữ tượng vàng,
Ai càng nhẫn nhục thì càng khôn ngoan.
Khôn ngoan chẳng lọ là nhiều,
Người khôn mới nói nửa điều đã khôn,
Khôn ngoan tâm tính tại lòng,
Và được giáo dục ngay trong gia dình.
Người khôn ăn tối lo mai,
Việc mình đừng đợi để ai lo giùm.
Hoa thơm ai chẳng nâng chiều,
Người khôn ai chẳng kính yêu mọi bề.
Chim khôn kêu tiếng rảnh rang,
Người khôn tiếng nói dịu dàng dễ nghe.
Chim khôn tránh lưới tránh dò,
Người khôn tránh chốn xô bồ mới khôn
Có phúc lấy được vợ khôn,
Biết sống đạo đức, thương con, thương chồng.
Giữ trọn tứ đức, tam tòng,
‘Đạo Trời trên hết’ ghi lòng không quên…
Tiêu biểu cho những người nữ khôn ngoan, đảm đương, đạo hạnh và gương mẫu… của xã hội Việt Nam thời cấm đạo chính là những người vợ đảm đang, những bà mẹ gương mẫu chúng ta vui mừng nêu danh dưới đây.
1. Bà Anna
Bà này có chồng là Gioan. Tại An Vực, nhân dịp Cha Đắc Lộ đến giảng trong dinh quan, vào lễ trọng. Sau khi nghe giảng, một viên quan đến gặp Cha, nói là không tin vì còn mắc kẹt nhiều tiền bạc. Một thầy sãi có đền thờ rất lớn trên núi đến xin rửa tội cho cả gia đình. Vợ được đặt tên thánh Anna, và chồng tên Gioan. Nhà ông bà này trở thành nhà nguyện. Sau này cả khu An Vực xin tòng giáo. Cơ sở trên rừng của ông bà bán hết dùng vào việc từ thiện. Bà Anna trở thành tín hữu hăng say và tông đồ nhiệt thành.
2. Bà Lina
Bà có chồng là Giuse. Tại Văn No, có một bà rất mê tín dị đoan. Được ơn soi sáng xin trở lại đạo, lấy tên là Lina. Lúc đầu ông chồng cản không cho trở lại, vì ông còn mê vợ nhỏ. Nhờ bà Lina khuyên bảo ông bỏ vợ nhỏ, xin rửa tội lấy tên thánh Giuse. Tất cả các con bà cũng trở lại. Ông bà cống hiến nhà mình làm nhà thờ và tổ chức xây nhiều nhà thờ khác. Ngoài việc nhà, bà Lina tận tụy giúp việc trong nhà thương để an ủi bệnh nhân. Gần làng Văn No có một trại cùi, nghe tin Cha Đắc Lộ có mặt, nhiều bệnh nhân xin vào đạo. Ông Simon là trại trưởng được cha gửi cho bản 10 Điều Răn, không đến nhà được, anh em cùi họp nhau trước ảnh Chúa đọc kinh rất sốt sắng.
3. Bà Agata.
Cũng trong cuộc đón tiếp trên dây, cha Đắc Lộ gặp một cuộc trở lại khác của vợ viên quan. Ông tên là Văn-Tai có nhiệm vụ dọn phòng và bàn thờ cho các cha mỗi ngày. Ông xin cha rửa tội cho vợ và con. Vợ ông lấy tên là Agata. Riêng ông xin khất, nhưng ít năm sau khi ông bị đau nặng, chính vợ ông đã mời cha đến rửa tội, đặt tên là Gioan. Bà Agata sống sốt sắng và lôi kéo nhiều người khác trở lại với Chúa. Cả đời bà chỉ biết phục vụ cộng đoàn và dân Chúa. Được biết sau khi gặp Trịnh Tráng, cha Đắc Lộ và các cha dòng Tên rất thành công về lớp “giáo lý tám ngày”. Khóa học liên tiếp 8 ngày, sáng 3 giờ, chiều 3 giờ. Ban đêm các cha giải tội.
4. Bà Paula
Bà là vợ thầy sãi Antôn. Tại Vũ Xá, một thầy sãi được một cung phi chọn giữ đền tà thần. Ông nhận ra ánh sáng chân lý và xin nhập đạo. Cung phi nổi giận tìm cách trả thù. Ông bỏ đền về nhà nhận phép rửa tội, nhận tên thánh Antôn làm quan thầy. Cung phi vẫn không tha tìm cách bắt trói Antôn cột giữa chợ và đánh đòn. Antôn rất mực gan dạ. Vợ ông là Paula được rửa tội không thua kém gì chồng đã dạy giáo lý và xin rửa tội cho nhiều người. Cung phi tiếp tục áp chế vợ chồng bà Paula, tịch thu tài sản, đuổi ông bà ra khỏi làng. Bà và chồng không sờn lòng, ngày đêm làm việc với các Thầy Giảng, và rửa tội được đến 100 người. Có lúc bà dẫn đến cho các cha 20, 30 tân tòng. Nghe tin ai không đi lễ Chúa nhật hoặc bỏ học giáo lý, bà đến tận nhà khuyên bảo. Mọi người đều trọng kính hai ông bà vì có lòng đạo đức và hy sinh.
5. Bà Saula
Bà có đạo, tử tế được chúa Trịnh tin dùng trong việc dọn cơm nước, không sợ bị đầu độc. Bà thường lặp lại những lời trong bài giảng của các cha trong nhà thờ cho các viên chức trong triều nghe. Nhờ đó, bà cô của Trịnh Tráng xin rửa tội, tên thánh là Gioanna. Bà Saula rất đạo đức, chúa nhật và lễ trọng, luôn có mặt tại nhà thờ, đọc kinh suy ngắm và cầu nguyện. Bà thường xuyên ăn chay hãm mình phạt xác.
6. Bà Luxê.
Tại Kẻ Bờ, trên đường bị phát vãng ra Bắc, thầy giảng Inhaxio và Anrê Phú Yên gặp vợ chồng một quan lại tên Phaolô và Luxê. Một hôm, nghe tin cha Đắc Lộ đến, bà Luxê và chồng cho người ra đón cha về nhà làm lễ. Bà giới thiệu một số người đã được học giáo lý và xin cha rửa tội. Thuyền cha mắc cạn, gặp vũng lầy không cập bến được, chính ông xin cõng cha vào bờ, mặc dầu cha từ chối.
7. Bà Monica và Anê.
Tại Nghệ an, năm 1629, là năm bốn Thầy Giảng Inhaxio, Anrê, Augustino và Antôn bị thiếu thốn về lương thực. Đã được hai bà Monica có chồng là Gioan, và bà Anê tiếp tế đầy đủ. Bà Monica gặp Thầy Antôn đem thư ra Kẻ Chợ xin trợ cấp. Bà trao cho Thầy 10 đồng bạc. Bà Anê nghe tin cha Đắc Lộ bị tống ra Bắc, bà muốn chận đường gặp cha báo cáo tin tức, nhưng không gặp. Bà bị bắt và bị đánh đập tàn nhẫn đến mệt nhừ, ngã qụi bên vệ đường.
8. Bà Colombia
Bà đã bỏ nhiều tiền của để xây cất nhà nguyện hội họp và học giáo lý. Cung cấp tiền bạc quần áo thuốc men cho các Thầy Giảng. Bà có lòng thương người nghèo cô đơn. Một hôm, bà bị bệnh nặng nhưng vẫn cố gắng đi thăm nom và an ủi bệnh nhân. Bà bị té chết dọc đường. Trước khi chết bà còn tỉnh và dặn chôn theo với cây Thánh Giá bà thích và tôn kính. Một lương dân lo việc mai táng biết được có Thánh Giá trong huyệt, nên 40 ngày sau, anh đã mở quan tài định lấy Thánh Giá này. Lạ thay, anh thấy xác bà còn nguyên và bay mùi thơm đặc biệt. Giáo dân trong vùng nghe tin đã đến kính viếng xác, và cho đây là sự lạ chưa từng có. Cùng thời, có bà Bianna. Hai người có công khuyên dụ các cung phi theo đạo.
9. Bà Lina
Bà được các cha Thừa Sai xác nhận là người được rửa tội đầu tiên tại Đàng Ngoài. Một ông khác tên là Phêrô được rửa tội vào lễ thánh Phêrô-Phaolô tên thánh Phaolô, cũng là người đầu tiên theo đạo. Bà Lina giàu có, đạo đức sốt sắng nổi tiếng trong vùng. Suốt 17 năm, bà nhiệt thành trong công tác tông đồ. Bà rộng rãi phân phát của ăn cho người túng bấn. Bà đã xây cất một nhà riêng cho các Thầy Giảng ở, để khỏi bị xoi bói của kẻ phản nghịch. Lúc qua đời, trong tay bà còn cầm ảnh Đức Mẹ, mặt luôn tươi tỉnh. Được biết, các việc bác ái thời trước thường là chia sẻ tài sản cho những người bị tịch thu tài sản vì đức tin. Hay cung cấp của cải cho các vị truyền giáo dùng vào việc thờ phượng và công ích.
10. Bà Anna Nghiêu, Bà Căn và Bà Anna Xinh
Tại Hà Nội, năm 1861, trong thời gian cha Thánh Téophan Venard Ven bị cầm tù nhốt trong cũi được hai bà Anna Nghiêu và bà Anna Xinh ra vào trong tù thăm nuôi. Bà Anna Nghiêu là chủ quán cơm trại lính gần trại giam, thấy quân lính cho cha ăn cực khổ quá, bà giả bộ lớn tiếng oang oang: “Người to lớn béo tốt đô con như vậy mà cho ăn như chim, coi sao được. Coi chừng ông mà chết, là nhục cả thành”. Nghe vậy, sợ trách nhiệm, bọn lính canh để mặc bà nuôi ăn “cha tây dương”. Bà liền vào nói với cha: Con đây này. Cha liền hiểu bà là người công giáo. Thế là bà có giấy phép ra vào đàng hoàng tiếp tế cơm nước cho cha. Một hôm cha ra dấu hiệu, bà hiểu ngay, gật đầu: “để con lo”. Mấy hôm sau, bà và bà Xinh bưng vào gần cũi một mâm trà và trầu cau đặt trước mặt cha. Cha vạch cơi trầu ra, thấy một hộp bằng sừng đựng Mình Thánh và bánh lễ. Vừa trao cho cha vừa trịnh trọng mời: “mời ông xơi nước”. Cha Ven cúi đầu nhè nhẹ, một tay che mặt, một tay chịu lễ. Hai bà thản nhiên ra về. Lần khác, đem Mình Thánh vào, các bà nói là thuốc bổ, lính canh để đi lọt. Ngày 2.2.1861, hay tin án tử hình của Thánh nhân được vua Tự Đức châu phê, bà lén vào tù báo cho cha chuẩn bị. Gần giờ xử, bà Xinh lại đem Mình Thánh Chúa vào, viên cai ngục giật lấy hộp mở ra la lớn: “Mụ này đem thuốc độc, trói con mẹ này lại”. Không còn sợ hãi, bà Nghiêu trờn tới quát lớn: “Không, không được. Ông cai nghe đây. Đây không phải là thuốc độc, mà là thuốc trường sinh. Nếu ông không trả lại cho tôi thì sẽ khốn đốn”. Nghe vậy, viên quan sợ liền trả hộp Mình Thánh cho hai bà. Hai bà đành ra về, không trao của Ăn Đàng cho cha, vì lính canh cẩn mật quá. (Christian Simonet, Théophane celui qui embellisait tout, Fayard, Paris 1983)
11. Bà Gioanna.
Bà là mẹ chân phước Anrê Phú Yên (Huế, 1625-1644). Bà Gioanna thuộc dòng qúi phái, là bông lúa đầu mùa của các cha Dòng Tên. Có lẽ bà được cha Diego Carvalho, người Bồ Đào Nha dạy đạo, lấy tên thánh là Juana, tiếng Việt là Gioanna. Cha Francesco Buzomi, người Ý rửa tội cho bà vào Phục Sinh 1641, cùng với 90 người trong đó con út của bà là Anrê. Chồng chết lại đông con, Bà Gioanna sống đạo hạnh thờ chồng, nuôi và giáo dục con. Bà lo dạy các con nhất là Anrê về cả đạo hạnh lẫn học hành chữ nghĩa, sống gần với các vị Thừa Sai, đặc biệt cha Đắc Lộ. Bà tín cậy và nhờ cha tuyển dạy Anrê làm thầy giảng, cán bộ truyền giáo. Đêm ngày, bà lo cho con học giáo lý xin các giáo sỹ rửa tội cho các con. Bà đã chinh phục được người anh 74 tuổi trở lại đạo. Bà tận tình giúp các thừa sai trong công tác truyền giáo, xây dựng nhà thờ, nhà giáo lý nơi các cộng đoàn mới, giúp họ trong khi các Thừa sai vắng mặt hay ẩn trốn. Thầy Anrê bị chém đầu và được phúc tử đạo ngày 26.7.1644, năm mới 19 tuổi, ngay trước mặt cha Đắc Lộ. Lời cuối cùng của thầy Anrê còn để lại: Giữ nghĩa cùng Đức Chúa Giêsu cho đến hết hơi, cho đến trọn đời.
12. Mẹ thầy giảng Inhaxu.
Năm 1645, cùng đi truyền giáo và bị bắt với cha Đắc Lộ có 3 thầy giảng: Anrê Phú Yên, Vincent (Quảng Ngãi) và Inhaxu (Quảng Trị, 1609-1845). Ba thầy luôn bên cha trong thời kỳ khó khăn nhất của lịch sử sơ khai của Giáo Hội Việt Nam. Ngày 3.7.1645, trên đường từ Quảng Trị ra sông Gianh, cha Đắc Lộ và ba thầy cùng bị bắt. Thay vì bị xử tử, cha được tha và phải bị trục xuất ngay. Còn ba thầy kia bị tống ngục và kết án chém đầu. Mẹ thầy Inhaxu lén lút vào ngục thăm khuyên con kiên tâm cầu nguyện cho con đừng sờn lòng. Trên đường ra pháp trường, mẹ thầy luôn bên cạnh. Hai mẹ con nhìn nhau tràn trề nước mắt. Phiên xử ngày 25.7.1645, có 9 thầy. Inhaxu đi đầu. Hai thầy Inhaxu và Vincent bị chém đầu. Còn 7 thầy kia bị chặt một ngón tay. Thầy Inhaxu 37 tuổi và thầy Vincent 19 tuổi. Một năm sau, ngày 26.7.1645, thầy Anrê mới được phúc tử đạo.
13. Mẹ chủng sinh Phaolo Bột. (Phát Diệm 1837-1855?)
Năm 18 tuổi, tại Kẻ Bảng, chủng sinh Phaolô Bột cùng bị bắt với 3 bạn trong chủng viện Vĩnh Trị và 14 giáo dân khác. Bị đánh đập tra khảo, ba chủng sinh vẫn mực không chịu bước qua Thánh Giá. Đến lần thứ ba, nhà vua bảo chỉ cần để quân lính khiêng qua dấu Thánh Giá, kể như bỏ đạo. Phaolô và hai chủng sinh kia kiệt sức không cự lại khi quân lính khiêng mình qua dấu Thánh Giá vẽ trên đất. Riêng Phaolô Pháp, em cụ Sáu Trần Lục dùng sức chống cự lại, co chân lên và hô to “không, không tôi không bao giờ bỏ Chúa”. Pháp bị qùi gối trên đinh nhọn, bị đánh đập tàn nhẫn, kìm kẹp thịt đến ngất xỉu và bị đày lên Lạng Sơn.
Sau khi trót dại để lính khiêng qua dấu Thánh Giá, Bột trở về nhà gặp mẹ đang đứng ở cửa, bà không cho vào nhà mà còn mắng con: “Không bao giờ tao cho đứa bỏ đạo ở chung. Dù đứa ấy là con tao đi nữa. Con ơi! Nếu con chịu chết thì mẹ sẽ khóc con như khóc một vị tử đạo. Nay mẹ khóc vì hổ thẹn, sinh ra đứa con bỏ đạo”. Bà đóng sập cửa lại khóc và cầu nguyện cho con. Phaolô Bột hối hận tìm gặp Cụ Sáu Trần Lục và đức cha Retord đang trốn trong rừng Bút Sơn, Đồng Bầu. Mấy hôm sau, được hai vị khuyên nhủ, và nâng đỡ, chú Bột mặc quần áo chỉnh tề, đến quì trước mặt mẹ thưa rằng: “Lần này con đi mà không trở lại nữa’’.
Bà mẹ can đảm khuyên con:
“Con cứ đi và làm như con đã hứa, mẹ đã dâng con cho Chúa từ lâu, xin Chúa phù hộ con”. Bột hiên ngang trở lại nộp mình cho quan quân ở Nam Định. Quan tức giận cho voi giày lên thân xác Phaolô Bột. Lần thứ hai, con voi đến như kính nể người anh hùng trẻ tuổi, mãi sau bị thúc mạnh, con voi giẫm lên ngực Phaolô. Tiếng xương kêu rắc rắc, máu phun hòa vang tiếng cầu nguyện của người trai anh dũng. Nhờ người mẹ khôn ngoan, Giáo Hội Việt Nam có thêm một vị tử đạo trẻ tuổi. Phần mộ của Phaolô Bột nằm ở trước cửa nhà nguyện, dưới tháp chuông của tiểu chủng viện Phúc Nhạc, Phát Diệm. (GXVN số 120, 1.1996. tr.7-12)
14. Dì và chị của Thánh Toma Trần Văn Thiện (Huế, 1820-1838)
Dì Nghi và chị Sao đã giúp Toma Thiện đi tu và được phúc tử đạo. Nữ tu Nghi là dì của Toma Thiện và là bề trên dòng Mến Thánh Giá Trung Quán, Quảng Bình, đã dạy giáo lý, chỉ dẫn cho cháu Thiện đọc kinh, dự lễ và giới thiệu với cha xứ Kẻ Sen học Latinh chuẩn bị đi tu. Năm 18 tuổi, Thiện được giấy phép nhập chủng viện của cha Candalh Kim, giám đốc chủng viện Di Loan, Quảng Trị. Mặc dầu tình hình cấm đạo gắt gao, và bị khủng bố khắp nơi, dì Nghi hăng hái dẫn Thiện từ Quảng Bình vào ngay Quảng Trị. Tới nơi được hai ngày, làng Di Loan bị bao vây và Thiện bị bắt. Toma Thiện được nhốt chung với Thánh Phanxicô Jaccard Phan (MEP. 1799-1838). Hai vị cùng được diễm phúc tử đạo. (GXVN. Số 120, 1.1996, 11)
15. Phu nhân Thánh Micae Nguyễn Huy Mỹ (Phát Diệm 1804-1838)
Cô Maria Mến (Miều) con gái thánh Antôn Đích, 20 tuổi cô lập gia đình với thánh Mỹ, sinh hạ được 8 người con. Tối tối, bà cùng chồng và các con đọc kinh chung và nghe sách đạo. Cộng tác với chồng nuôi dạy con và làm việc từ thiện bác ái. Khi thánh Mỹ bị bắt, bà và các con thay nhau vào tù thăm, cổ vũ và động viên tinh thần cho chồng kiên tâm giữ vững đức tin. Trước ngày thánh nhân ra pháp trường, bà Lý bồng con mới mấy tháng vào ngục thăm, trao con cho ông ẵm một lúc. Nghẹn ngào trong nước mắt bà nói: “Ông ơi, vợ con ai mà chẳng thương chẳng nhớ phải không? Nhưng xin ông hãy hy sinh vác Thánh Giá vì Chúa, trung thành với Chúa cho đến cùng. Đừng lo gì cho mẹ con tôi. Đã có Thiên Chúa quan phòng tất cả. Mẹ con tôi đến thăm ông lần cuối. Cầu xin Chúa cho ông vâng theo ý Ngài”. Nhờ lời khích lệ của vợ con, ông Lý vững tin và can đảm hy sinh mạng sống vì danh Chúa. (Thiên Hùng Sử. tr.303
16. Mẹ Thánh Anrê Trần Văn Trông (Huế, 1814-1835)
Trần Văn Trông là con một, cha mất khi Trông mới 15 tuổi, gia đình neo đơn mẹ góa con côi. Mẹ tần tảo ngược xuôi. Con làm thợ dệt rồi đi lính. Tháng 11.1834, vua ra lệnh các quân nhân phải xuất giáo. Trông không tuân theo nên bị tống giam. Suốt thời gian bị giam giữ, ngày nào bà mẹ đạo hạnh này cũng kiên trì vào thăm và động viên tinh thần con mình. Sáng sớm 28.11.1835, hay tin con bị đem đi xử, bà vội vã đón con ngay ở đầu chợ, nơi con mình sắp qua. Gặp con, bà không khóc và chỉ hỏi con: ‘Bấy lâu xa nhà, và trong thời gian giam tù con có nợ nần ai không, nếu có thì cho mẹ hay, mẹ sẽ trả thay cho con’. Biết con không vướng mắc gì, bà an tâm theo con ra pháp trường. Đi sát bên con, bà khuyên con bền chí kiên gan vì giờ vinh quang đến gấn. Tới nơi xử; quân lính tháo gỡ xiềng xích. Anrê nhận giây phút từ đầu đến cuối cuộc “tử nạn” của con. Khi đầu con rơi xuống, bà chạy lại đưa ra một quan tiền chuộc đầu con và lấy vạc áo bọc đầu con đem thẳng về nhà. Bà nhờ một cha đang ẩn trốn trên núi về nhà dâng lễ an táng cho con mình. Bà xin cha mặc lễ phục đỏ, “vì hôm nay là ngày vui của gia đình, ngày vinh quang chiến thắng của vị tử đạo”. Quả thật phúc đức tại mẫu. Càng tìm kiếm càng khám phá ra trong lịch sử Giáo Hội Việt Nam chúng ta có rất nhiều chị em phụ nữ đóng góp vào việc xây dựng nền móng tòa nhà Giáo Hội mà chúng ta hưởng dùng hôm nay. Các nữ anh hùng tiền nhân “đã chết để sống vinh quang bất diệt trong thân xác bất tử”. (1Cor 15,52-53). Niềm tin và lòng nhiệt thành đã giúp các bà mẹ, các người chị tổ tiên chúng ta sống thánh thiện can đảm hy sinh đổ máu đào. Người đời cho ôm và vác Thánh Giá là điên dại, nhưng các phụ nữ tiền nhân lại hãnh diện say mê và cho đó là sức mạnh về Trời. (Thiên Hùng Sử, tr. 45-46)
Cha F. Lelotte sj tác giả cuốn “Giải Quyết Vấn Đề Nhân Sinh” cho biết: Trong vũ trụ tinh tú, chúng ta chỉ nhìn thấy được một số nhỏ các vì sao. Con số này thật quá ít ỏi sánh với con số khổng lồ hàng triệu triệu sao xa lắc xa lơ trên trời cao thẳm… Dầu thoát khỏi tầm nhìn của con người, dầu ở tận trời cao mịt mù, mỗi vì sao ấy vẫn là một thành tố làm nên vũ trụ kỳ quan và huyền nhiệm trên không trung… Ngay trên mặt đất này, chúng ta nom thấy mỗi ngày, một cánh hoa, một cánh bướm, một đường tơ nhện, một sợi cỏ xanh, một nắm tuyết hay một lớp sương mỏng… chỉ bấy nhiêu, chúng ta đã thấy chồng chất bao kỳ diệu…Công trình xây cất của loài kiến, loài mối hay loài ong làm chúng ta sửng sốt… (tr. 47-50).
Suy nghĩ của cha F. Lelotte sj giúp tôi xác tín mạnh mẽ vào những giá trị cao cả của lực lượng nữ giới tử đạo của Giáo Hội Việt Nam trong thời gian 300 năm, 1586-1886, mà tôi đã tiếp nhận được sau khi đã đọc những tích truyện trên đây. Tôi xin tóm tắt lại như những lời kết thúc chương sách:
Giá trị tuyên chứng niềm tin: Tuy là phận nữ, các ngài có một đức tin “bàn thạch” vào Thiên Chúa. Các Ngài lấy đời sống đức tin, lời lẽ đức tin, gương mẫu đức tin để làm vững chắc đức tin của người chung quanh, mà trước hết là những người trong gia đình. Với đức tin trung kiên, các ngài đã trao truyền đức tin cho người khác và tuyên xưng đức tin trước mặt vua quan và sau cùng đã chết vì đức tin.
Giá trị xây dựng Giáo Hội: Không phải chỉ là “Giáo Hội thu nhỏ” là gia đình hay họ đạo, nhưng còn là Giáo Hội Việt Nam sơ sinh, là Giáo Hội hoàn vũ. Nói đến giá trị xây dựng Giáo Hội là nói đến giá trị truyền giáo: dạy giáo lý, che giấu thừa sai, giữ gìn đồ thờ phượng, thăm nuôi các tù nhân vì đức tin, an ủi khích lệ những người thân bị bắt, bị xử, bị chết, cầu nguyện, sinh hoạt truyền giáo, sống bác ái, hy sinh tiền bạc, tài năng tháo vát để bảo trì và xây cất nhà thờ, nhà nguyện…
Giá trị nêu bật phong thái và vai trò của người phụ nữ trong xã hội Việt Nam: Có ai chê trách các ngài về đời sống chung thủy vợ chồng? Có ai phiền trách các ngài về bổn phận gia đình, đối với chồng, với con, với cha mẹ già, hay đối với gia nhân và bạn hữu của gia đình? Trái lại còn lớn tiếng để nói lên rằng các ngài đã làm tròn bổn phận ‘tam tòng, tứ đức’ của một người vợ, người mẹ, người phụ nữ Viêt Nam. Và đó là hoa quả của hạt giống đức tin. Hạt giống đức tin đã được gieo vào đất tốt. Hai nếp sống hòa đồng: nếp sống người kitô hữu tràn đầy niềm tin và nếp sống người phụ nữ Việt Nam gương mẫu, tiết hạnh kiêm toàn.
Giá trị thăng hoa nền văn hóa Việt Nam: Các nữ anh hùng tử đạo Việt Nam không phải là những nhà khoa bảng, không phải là những người viết văn dạy dân chúng như ông Nguyễn Trãi với tập “Gia Huấn Ca” (10) càng không phải là những người có quyền chỉ thị cho dân phải sống theo đạo lý quốc gia như vua Minh Mạng với “Mười điều huấn dụ” (DMAH 2, tr.64-67). Các ngài là những người nữ “chân yếu tay mềm”, chỉ biết phụng sự Thiên Chúa và phục vụ đồng bào như các nữ tu dòng Mến Thánh Giá, chỉ biết tu thân tề gia, phục vụ Giáo Hội, những người lo việc trong đạo và anh chị em đồng đạo, theo giáo huấn Tin Mừng như các bà thuộc giới qúy phái, có ảnh hưởng trong hoàng tộc… Các ngài là những người mẹ gia đình chỉ biết sống đức tin, rồi dạy con, khuyên chồng bền vững ăn ngay ở lành và can đảm tuyên xưng đạo Chúa, sẵn sàng chết vì đức tin… Vậy một cách cụ thể, các nữ anh hùng trong thời cấm đạo đã thăng hóa văn hóa Việt Nam ở điểm nào?
– Xin thưa: “bằng cả đời sống cần kiệm, liêm chính” của một công dân lương thiện, bằng niềm tin vào Trời là Thiên Chúa tối cao và duy nhất, do đó trung thành với Thiên Chúa hơn với vua quan, thực hành việc tôn kính Tổ Tiên theo giáo huấn của đạo Chúa hơn là theo những hình thức cúng bái mê tín rườm rà vẫn có của dân gian…
Đối với chồng, kính trọng và chung thủy theo giáo lý “một vợ một chồng”, không chấp nhận đa thê, ly dị, ly thân… như những hủ tục của xã hội bấy giờ… Không chối bỏ, nhưng canh tân về nguyên tắc luân lý “tam tòng tức đức”, hầu đề cao địa vị của người nữ trong gia đình và ngoài xã hội. Người nữ có quyền lựa chọn cho mình, cho con cái và cả cho chồng “giáo lý và niềm tin”, mà lương tâm nghiệm là tốt lành và chính mình đang sống. Ngoài xã hội, các ngài tuyệt đối tôn trọng đức công bằng, dấn thân phục vụ và thực thi bác ái… hầu thanh lọc nền văn hóa, luân lý và đạo lý đang bị sa đọa, vì tham nhũng và ích kỷ…
Nói tắt, trong mọi môi trường sống, gia đình, họ đạo, làng xã… những người nữ anh hùng trong thời cấm đạo xứng đáng là “muối mặn” (Mt 5,13), “đèn sáng” (Mt 5,15), “men làm dậy bột” (Lc 13,20) được nói đến trong Phúc Âm, hay là “những cành vàng lá ngọc”, “băng thanh ngọc khiết” và “vãn hồi thế đạo” đọc thấy trong ca dao tục ngữ…
——————–
Số lượt truy cập: (54)