CUỘC THƯƠNG KHÓ CỦA CHÚA GIÊSU Thành Nazareth
Trong vòng 24 tiếng đồng hồ
Cuộc khổ nạn của Đức Giêsu Kitô là mục đích chính yếu của mầu nhiệm Nhập Thể (x. Dt 9,26; 2,14-15; Mc 10,45). Cuộc khổ nạn của Đức Giêsu Kitô là nền tảng của Tin Mừng (1Cr 15, 1.3b). Cuộc khổ nạn của Đức Giêsu Kitô là rất cần thiết cho ơn cứu độ chúng ta (x. Ga 3,14-15; 12,24). Cuộc khổ nạn của Đức Giêsu Kitô là đối tượng quan trọng trong Nước Trời (x. Lc 9,30-31; Kh 5,8-9). Như thế, cuộc khổ nạn của Đức Giêsu Kitô là nền tảng cơ bản cho Kitô giáo. Tất cả các tôn giáo khác đều dựa vào cuộc đời của vị sáng lập, còn Kitô giáo dựa vào cái chết của Con Thiên Chúa.
Cuộc khổ nạn của Đức Giêsu Kitô, được xem là trọng tâm và là đỉnh cao của phụng vụ Kitô giáo. Trong Tuần Thánh này, Phụng vụ Lời Chúa công bố các bài Thương khó của Chúa Giêsu:
– Chúa Nhật Lễ Lá: Năm A Thánh Matthêu (Mt 26,14 – 27,66); Năm B thánh Marcô ( Mc 14,1 – 15,47); Năm C thánh Luca (Lc 22,14 – 23,56).
– Thứ Sáu Tuần Thánh: Thánh Gioan (18,1 – 19,42).
Cuộc khổ nạn của Đức Giêsu bắt đầu từ 18 giờ chiều ngày thứ Năm và kéo dài cho đến trước 18 giờ chiều ngày thứ Sáu. Như thế chỉ diễn ra trong vòng 24 tiếng đồng hồ.
Trong TUẦN THÁNH, đọc lại Thánh Kinh và cùng đi với Đức Giêsu trên con đường thương khó để thêm lòng yêu mến Chúa.
1- TIỆC VƯỢT QUA ?
a) Câu hỏi đầu tiên là: Đức Giêsu có ăn lễ Vượt Qua hay không ?
“Ngày thứ nhất trong tuần bánh không men, các môn đệ đến thưa với Ðức Giêsu: “Thầy muốn chúng con dọn cho Thầy ăn lễ Vượt Qua ở đâu?” Người bảo: “Các anh đi vào thành, đến nhà một người kia và nói với ông ấy: Thầy nhắn: thời của Thầy đã gần tới, Thầy sẽ đến nhà ông để ăn mừng lễ Vượt Qua với các môn đệ của Thầy”. Các môn đệ làm y như Ðức Giêsu đã truyền, và dọn lễ Vượt Qua”. (Mt 26,17-19).
Đức Giêsu có ăn lễ Vượt Qua hay không ? Rõ ràng Mt 26,17 nói về lễ Vượt Qua; nhưng nơi thánh Gioan, chúng ta chỉ đọc được “Trước lễ Vượt Qua” (Ga 13,1). Thánh Marcô viết: “Ngày thứ nhất trong tuần Bánh Không Men, là ngày sát tế chiên Vượt Qua, các môn đệ thưa với Đức Giêsu: Thầy muốn chúng con đi dọn cho Thầy ăn lễ Vượt Qua ở đâu ?” (Mc 14,12). Thánh Luca cũng viết như thánh Marcô: “Đã đến ngày lễ Bánh Không Men, ngày phải sát tế chiên Vượt Qua”.
Chúng ta sẽ thấy có nhiều vấn đề:
1.Nếu lễ Vượt Qua là Đại lễ của người Do Thái thì tuyệt đối không thể xử án và thi hành án, nhất là án tử, vì sẽ làm cho cả thành ra ô uế và sẽ không thể cử hành đại lễ.
2.2.Theo thông lệ vào ngày 14 NISAN, tức là RẰM THÁNG GIÊNG của người Do Thái, người ta sẽ giết chiên vào lúc 13 giờ trưa và 18 giờ sẽ khởi đầu ăn lễ Vượt Qua. Nếu Đức Giêsu thực sự ăn lễ Vượt Qua, thì sẽ không thể xảy ra cuộc hành hình được !
3.3.Như thế chúng ta sẽ thấy thánh Gioan có thể cho biết giờ giấc chính xác nhất. Khi Philatô đưa Đức Giêsu cho dân chúng thấy ECCE HOMO ! NÀY LÀ NGƯỜI: “Hôm ấy là ngày áp lễ Vượt Qua, vào khoảng mười hai giờ trưa” (Ga 19,14).
4.4.Nếu nói theo thánh Gioan, giờ Đức Giêsu bị ĐÓNG ĐINH là giờ giết chiên. Như thế khi Đức Giêsu “ăn lễ Vượt Qua”, thì chưa đến giờ giết chiên [Đương nhiên thánh Gioan muốn nhấn mạnh chính Đức Giêsu là CHIÊN ĐÍCH THỰC BỊ SÁT TẾ] như thế, tiệc Vượt Qua của Đức Giêsu không thể có chiên Vượt Qua được ! Thực sự, cả 4 Phúc Âm đều nói về lễ Vượt Qua, nhưng đọc kỹ, chúng ta không thấy nói về con chiên nào cả.
5.5.Một vấn đề mới nẩy sinh: có được phép ăn lễ Vượt Qua MÀ KHÔNG CÓ CHIÊN hay không ? Chúng ta thấy:
6.-Không phải tất cả mọi người Do Thái đều có đủ tài chánh để lên Giêrusalem, tức là họ vẫn phải ở nhà. Theo sách Luật, cứ 10 đàn ông, phải giết một con chiên. Một người vị vọng trong làng hay là người gia trưởng trong gia đình sẽ giết chiên.
7.-Nhưng nếu có một thôn xóm quá nghèo, không có tiền mua chiên thì sao ? Họ vẫn có quyền ăn lễ Vượt Qua mà không có chiên ! Những người phải đi làm xa xôi, trên biển, trên rừng…không có chiên, vẫn phải ăn lễ Vượt Qua mà không có chiên.
8.-Nhóm Qumran chống lại phụng vụ Đền Thờ Giêrusalem. Họ có thời biểu ăn lễ Vượt Qua không giống thời biểu của Đền Thờ. Theo Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI, Đức Giêsu và Gioan Tẩy giả thuộc về nhóm Qumran này.
9.-Chúng ta biết, sau phép lạ làm cho Lazarô sống lại, Đức Giêsu đã bị Công nghị kết án. Người không thể đi lại công khai giữa dân chúng được : “Từ ngày đó, họ quyết định giết Ðức Giêsu. Vậy Ðức Giêsu không đi lại công khai giữa người Dothái nữa; nhưng từ nơi ấy, Người đến một vùng gần hoang địa, tới một thành gọi là Épraim. Người ở lại đó với các môn đệ. Lễ Vuợt Qua của người Do thái đã gần. Từ miền quê, nhiều người lên Giêrusalem trước lễ Vượt Qua để thanh tẩy mình. Họ tìm Ðức Giêsu và đứng trong Ðền Thờ bàn tán với nhau: “Các ông có nghĩ rằng ông ấy sẽ không lên dự lễ chăng?”. Còn các thượng tế và người Pharisêu thì ra lệnh: ai biết được ông ấy ở đâu thì phải báo cho họ đến bắt.” (Ga 11,53-57).
10.- Qua những nhận định trên, chúng ta có thể nói: Đức Giêsu đã ăn lễ Vượt Qua mà không có chiên ! Người cùng các môn đệ ăn lễ thật lặng lẽ, “trong bí mật”, vì đang bị lùng bắt. Đó cũng là lý do không có chiên.
11.b) Diễn tiến một bữa tiệcVượt Qua
Tiệc Vượt Qua phải bắt đầu vào lúc 18 giờ và kéo dài đến 24 giờ đêm. Người ta căn cứ vào 4 tuần rượu để chia tiệc này ra làm 4 phần:
1. Chén rượu thứ nhất: khai vị
Khi ngồi vào bàn tiệc, người ta uống chén đầu tiên; ăn cuộn rau đắng, chấm vào chén giấm chua màu gạch đỏ, để nhớ đến những ngày khổ nạn bên Ai Cập. Mỗi thực khách đều có chén rượu riêng của mình, nhưng trước mặt người chủ tiệc, có một chén rượu to, sẽ được trao cho mọi người theo nghi thức và mọi người uống chung. Chúng ta căn cứ vào chén này để nói về tiệcVượt Qua.
“Khi giờ đã đến, Ðức Giêsu vào bàn, và các Tông Ðồ cùng vào với Người. Người nói với các ông: “Thầy những khát khao mong mỏi ăn lễ Vượt Qua này với anh em trước khi chịu khổ hình. Bởi vì, Thầy nói cho anh em hay, Thầy sẽ không bao giờ ăn lễ Vượt Qua này nữa, cho đến khi lễ này được nên trọn vẹn trong Nước Thiên Chúa”. Rồi Người nhận lấy chén, dâng lời tạ ơn và nói: “Anh em hãy cầm lấy mà chia nhau. Bởi vì, Thầy bảo cho anh em biết, từ nay, Thầy không còn uống sản phẩm của cây nho nữa, cho đến khi Nước Thiên Chúa đến”.(Lc 22,14-18)
2. Chén thứ hai: mở đầu buổi tiệc
Sau khi khai vị xong, người ta sẽ dọn các thức ăn trên bàn xuống và dọn các thức ăn chính cho tiệc Vượt Qua: chiên nướng, ngoài ra còn có nhiều món thịt khác nữa, thêm trứng rán, rau (người Do Thái ăn rất nhiều rau).
Bắt đầu tiệc, người chủ tiệc long trọng cầm tấm bánh chúc lành cho bữa tiệc. ĐÂY LÀ LÚC ĐỨC GIÊSU TRUYỀN PHÉP BÁNH. Các môn đệ kinh ngạc vì Đức Giêsu không đọc công thức truyền thống, nhưng chủ ý nói đến: Rồi Người cầm lấy bánh, dâng lời cảm ơn, bẻ ra, trao cho các ông và nói: “Ðây là mình Thầy, hy sinh vì anh em. Anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy”.(Lc 22,19).
Sau lời tạ ơn xong, người ta dùng tiệc cách thoải mái.
3. Chén thứ ba: Chén chúc tụng
“Và tới tuần rượu cuối bữa ăn, Người cũng làm như vậy và nói: Chén này là giao ước mới, lập bằng máu Thầy, máu đổ ra vì anh em.” (Lc 22,20).
Sau khi ăn xong, tất cả những gì dư thừa đều dọn xuống. Đây là lúc Đức Giêsu TRUYỀN PHÉP TRÊN RƯỢU. Chúng ta thấy có hai lần truyền phép, nhưng cách nhau bằng một bữa tiệc. Đầu tiệc truyền phép trên bánh, sau đó là bữa ăn: người ta ăn cả một con chiên và uống thoải mái. SAU BỮA TIỆC, ĐỨC GIÊSU MỚI TRUYỀN PHÉP TRÊN RƯỢU. Nên chúng ta không lấy làm lạ, khi trong Thánh lễ, chúng ta nghe đọc “SAU BỮA ĂN TỐI”.
Sau chén CHÚC TỤNG, người ta sẽ đọc phần đầu của những thánh vịnh HALLEL (Tv 105-107). Rồi tiếp tục trao đổi với nhau.
4. Chén thứ tư: chén kết thúc tiệc
Khi muốn kết thúc tiệc, tức khoảng 24 giờ. Người chủ tiệc cất tiếng đọc phần cuối các Thánh Vịnh Hallel (Tv 111-115), sau đó các thực khách đều uống chung chén rượu cuối cùng và rời bàn tiệc: lúc đó khoảng 24 giờ khuya.
“Hát thánh vịnh xong, Ðức Giêsu và các môn đệ ra đi lên núi Ôliu. Ðức Giêsu nói với các ông: “Tất cả anh em sẽ vấp ngã, vì Kinh Thánh đã chép: Ta sẽ đánh người chăn chiên, và chiên sẽ tan tác. Nhưng sau khi sống lại, Thầy sẽ đến Galilê trước anh em”. Ông Phêrô liền thưa: “Dầu tất cả có vấp ngã đi nữa, thì con cũng nhất định là không”. Ðức Giêsu nói với ông: “Thầy bảo thật anh: hôm nay, nội đêm nay, gà chưa kịp gáy hai lần, thì chính anh, anh đã chối Thầy đến ba lần”. Nhưng Phêrô lại nói quả quyết hơn: “Dầu có phải chết với Thầy, con cũng không chối Thầy”. Tất cả các môn đệ cũng đều nói như vậy. Sau đó, Ðức Giêsu và các môn đệ đến một thửa đất gọi là Ghếtsêmani”. (Mt 26,30-36)
2- GIẾTSEMANI – BỊ BẮT VÀ HỎI CUNG
Tại sao Đức Giêsu đến Vườn cây dầu Giếtsêmani ?
Có 2 lý do:
1) Vào lễ Vượt Qua dân chúng kéo về Giêrusalem quá đông (trên nửa triệu người, trong khi thành Giêrusalem chỉ đủ sức chứa 200 ngàn mà thôi), không đủ chỗ nơi hàng quán; thêm nữa, người nghèo không có tiền để vào nhà trọ, nên phần đông tấp vào vườn cây dầu ngoài thành để ngủ qua đêm.
2) 2) Vào thời gian thành phố đầy người, những phần tử bất hảo tụ tập lại trong vườn cây dầu, đặc biệt là nhóm Zelốt, “nhóm dao găm”. Chúng ta cũng nên nhớ, lúc đó Đức Giêsu đã bị Công nghị kết án và bắt mọi người “ai biết Người ở đâu” phải chỉ điểm. Đức Giêsu phải trốn lẫn trong đám dân ô hợp. Có lẽ Người thường đến trú một góc nào đó trong vườn, mà Giuđa rất quen thuộc, nên dễ dàng chỉ điểm: Sau khi nói những lời đó, Ðức Giêsu đi ra cùng với các môn đệ, sang bên kia suối Kítrôn. Ở đó, có một thửa vườn, Người cùng với môn đệ đi vào. Giuđa, kẻ nộp Người, cũng biết nơi này, vì Người thường tụ họp ở đó với các môn đệ.” (Ga 18,1)
3) a. Ai bắt Đức Giêsu ?
Các Phúc Âm đều nói:
-“ Ngay lúc đó, khi Người còn đang nói, thì Giuđa, một người trong Nhóm Mười Hai, xuất hiện. Cùng đi với hắn, có một đám đông mang gươm giáo gậy gộc. Họ được các thượng tế, kinh sư và kỳ mục sai đến. Kẻ nộp Ðức Giêsu đã cho họ một ám hiệu, hắn dặn rằng: “Tôi hôn ai thì chính là người đó. Các anh bắt lấy và điệu đi cho cẩn thận”. Vừa tới, Giuđa tiến lại gần Người và nói: “Thưa Thầy!”, rồi hôn Người. Họ liền tra tay bắt Người. Nhưng một trong những kẻ đang có mặt tại đó tuốt gươm ra, chém phải tên đầy tớ của thượng tế, làm nói đứt tai. Ðức Giêsu nói với họ: “Các ông đem gươm giáo gậy gộc đến bắt tôi như bắt một tên cướp vậy? Ngày ngày, tôi vẫn ở giữa các ông, vẫn giảng dạy ở Ðền Thờ, mà các ông không bắt. Nhưng thế này là để lời Sách Thánh được ứng nghiệm”. Bấy giờ các môn đệ bỏ Người mà chạy trốn hết. Trong khi đó có một cậu thanh niên đi theo Người, mình khoác vỏn vẹn một tấm vải gai. Họ túm lấy anh. Anh liền trút tấm vải lại, bỏ chạy trần truồng.” (Mc 14,43-52).
-“Rồi Ðức Giêsu nói với các thượng tế, lãnh binh Ðền Thờ và kỳ mục đến bắt Người” (Lc 22,52)
-Phúc Âm thánh Gioan viết: “Bấy giờ toán quân và viên chỉ huy cùng đám thuộc hạ của người Dothái bắt Ðức Giêsu và trói Người lại.”(Ga 18,12).
Các Phúc Âm Nhất Lãm đều chỉ nói những người của Đền Thờ đến bắt Đức Giêsu, nhưng cách nói của thánh Gioan làm chúng ta liên tưởng đến cơ đội của La mã. Chúng ta biết: vào dịp lễ Vượt Qua, tất cả các tư tế và các thầy Lêvi phải tựu về Giêrusalem. Vào thời của Đức Giêsu, nhiều tác giả cho rằng có khoảng 20 ngàn tư tế và 20 ngàn Lêvi. Các thầy Lêvi lo trật tự Đền Thờ. Có lẽ chính họ là những người đi bắt Đức Giêsu. Thêm nữa, cũng trong thời gian này, để giữ an ninh trật tự, quan tổng trấn La mã phải có mặt tại Giêrusalem. Chúng ta cũng biết các cuộc nổi loạn của người Do Thái đều xảy ra trong các dịp này.
Vườn Giêtsêmani là nơi tụ tập rất đông quần chúng, nhất là những nhóm nổi loạn chống người La mã, buộc lòng lính tráng phải cánh gác. Chắc chắn hằng đêm phải có lính rảo trong vườn này. Một đám đông từ Đền Thờ đến vây bắt Đức Giêsu như tù nhân, sẽ gây lộn xộn trong vườn, buộc lòng lính La mã phải xuất hiện. Như thế trong cuộc vây bắt Đức Giêsu, các thầy Lêvi của Đền thờ là chủ chốt; các Phúc Âm cũng nói đến sự có mặt của “các thượng tế, lãnh binh Đền Thờ và kỳ mục”(Lc 22,52), nhưng cũng có mặt quan quân La mã.
b. Cuộc xử án trong đêm
-“Họ bắt Ðức Giêsu, rồi điệu đến thượng tế Caipha. Các kinh sư và kỳ mục đã tề tựu sẵn đó.”(Mt 26,57; x.Mc 14,53); “ Họ bắt Ðức Giêsu, điệu Người đến nhà vị thượng tế…(c.63) Những kẻ canh giữ Ðức Giêsu nhạo báng đánh đập Người. (c.64) Chúng bịt mắt Người lại, rồi hỏi rằng: “Nói tiên tri xem: ai đánh ông đó?” (c.65) Chúng còn thốt ra nhiều lời khác xúc phạm đến Người.
Chúng ta thấy Phúc Âm Nhất Lãm chỉ nói về việc Đức Giêsu bị điệu đến “Thượng Tế”, trong khi thánh Gioan nói rõ có 2 cuộc xử án ban đêm: tại nhà Hannas, sau đó tại nhà Kaiphas. Chúng ta thấy rõ âm mưu của Công Nghị (Sanhedrin) quyết bắt và giết Đức Giêsu: ngay trong đêm [sái Luật] mà đã có các kinh sư và kỳ mục đã tề tựu sẵn đó !
“Bấy giờ toán quân và viên chỉ huy cùng đám thuộc hạ của người Dothái bắt Ðức Giêsu và trói Người lại. Trước tiên, họ điệu Ðức Giêsu đến ông Khanna là nhạc phụ ông Caipha. Ông Caipha làm thượng tế năm đó… Vị thượng tế tra hỏi Ðức Giêsu về các môn đệ và giáo huấn của Người. Ðức Giêsu trả lời: “Tôi đã nói công khai trước mặt thiên hạ; tôi hằng giảng dạy trong hội đường và tại Ðền Thờ, nơi mọi người Dothái tụ họp. Tôi không hề nói điều gì lén lút. Sao ông lại hỏi tôi? Ðiều tôi đã nói, xin cứ hỏi những người đã nghe tôi. Chính họ biết tôi đã nói gì”. Ðức Giêsu vừa dứt lời, thì một tên trong nhóm thuộc hạ đứng đó vả vào mặt Người mà nói: “Anh trả lời vị thượng tế như thế ư?”. Ðức Giêsu đáp: “Nếu tôi nói sai, anh chứng minh xem sai ở chổ nào; còn nếu tôi nói phải, sao anh lại đánh tôi?”. Ông Khanna cho giải Người đến thượng tế Caipha, Người vẫn bị trói.” (Ga 18, 12-13. 19-24).
-Chúng ta biết từ thời đế quốc La mã đô hộ xứ Israel (năm 64 tcn), họ muốn đặt ai làm thượng thì họ đặt không cần đến chi tộc nhà Aaron gì cả. Ai không làm thỏa mãn họ là trong vòng 1 năm họ sẽ truất phế và đưa kẻ khác lên thay. Thế mà Hannas đã làm Thượng tế trong vòng 19 năm, tiếp đó Kaiphas là con rể, trước sau còn 5 người con của Hannas cũng làm thượng tế. Như thế chúng ta biết nhà Hannas đã qụy lụy đế quốc La mã như thế nào.
-Mỗi năm chỉ có một thượng tế mà thôi ! Nhưng những vị cựu thương tế cũng được gọi chung là thượng tế như câu Ga 18,19. Nhiều lúc họ được gọi chung là các “vị thượng tế”, cách nói này thường để gọi các vị cựu thượng tế.
-Cuộc xử nơi nhà Hannas nhắm vào giáo lý của Đức Giêsu, vì sợ người rao giảng phản động chống lại người La mã. Còn nơi Kaiphas và Công Nghị, Đức Giêsu bị tra hỏi về sứ vụ của Đấng Messia:
-“Bấy giờ các thượng tế và toàn thể Thượng Hội Ðồng tìm lời chứng buộc tội Ðức Giêsu để lên án tử hình, nhưng họ tìm không ra, vì tuy có nhiều kẻ đưa chứng gian tố cáo Người, nhưng các chứng ấy lại không ăn khớp với nhau. Có vài kẻ đứng lên cáo gian Người rằng: “Chúng tôi nghe ông ấy nói: Tôi sẽ phá Ðền Thờ này do tay người phàm xây dựng, và nội ba ngày, tôi sẽ xây một Ðền Thờ Khác, không phải do tay người phàm!” Nhưng ngay về điểm này, chứng của họ không ăn khớp với nhau.” (Mc 14,55-59)
-Chúng ta sẽ thấy lời tuyên bố “phá Đền Thờ” làm cho Công nghị rất tức tối. Với họ việc đụng đến Đền thờ và Lề Luật là phạm thượng. Đền thờ là nơi duy nhất Thiên Chúa ngự giữa trần gian, đảm bảo sự thánh thiện của toàn dân. Lời tuyên bố của Đức Giêsu mang ý niệm phá vỡ không những Đền Thờ bằng gạch đá, nhưng cả Đền thờ tinh thần là Do Thái giáo. Đây là điều xúc phạm mà Công nghị ghim trong lòng để có thể giết Đức Giêsu. Chúng ta cũng thấy lời kết án này của Công nghị sẽ vang lên mãi trong thời bách hại Kitô giáo; tỉ dụ chúng ta thấy trong lời kết án Stêphanô: “Bấy giờ, họ mới xui mấy người phao lên rằng: “Chúng tôi đã nghe hắn nói lộng ngôn xức phạm đến ông Môsê và Thiên Chúa”. Họ sách động dân và các kỳ mục cùng kinh sư, rồi ập đến bắt ông và điệu đến Thượng Hội Ðồng. Họ đưa mấy người chứng gian ra khai rằng: “Tên này không ngừng nói những lời phạm đến Nơi Thánh và Lề Luật. Vì chúng tôi đã nghe hắn nói rằng Giêsu người Nadarét ấy sẽ phá huỷ nơi này và thay đổi những tục lệ mà ông Môsê đã truyền lại cho chúng ta”. (Cv 6,13-14); hay như, người Do Thái nêu lên lý do để bắt thánh Phaolô: “ Khi sắp hết thời gian bảy ngày, những người Dothái từ Axia đến thấy ông trong Ðền Thờ thì sách động toàn thể đám đông và tra tay bắt ông. Họ tri hô: “Hỡi đồng báo Ítraen, giúp một tay nào ! Nó kia kìa, tên vẫn đi mọi nơi dạy cho mọi người những điều phản dân, phạm đến Lề Luật và Nơi Thánh này ! Nó còn đem cả mấy người Hylạp vào Ðền Thờ mà làm cho Nơi Thánh này ra ô uế”. Họ nói thế là vì trước đó họ đã thấy ông Tơrôphimô, người Êphêxô, cùng đi với ông Phaolô trong thành, và họ nghĩ ông Phaolô đã đưa ông ấy vào Ðền Thờ.” (Cv 21, 27-29).. Qua những chứng cứ này có thể khắng định: Đức Giêsu đã thanh tẩy Đền Thờ, và đây là sự kiện lịch sử !
-Theo Luật Do Thái, để kết án một người nào, cần phải có hai nhân chứng đồng thuận với nhau: “Một nhân chứng duy nhất không thể đứng lên buộc tội một người về bất cứ một tội một lỗi nào; về bất cứ lỗi nào người ấy phạm, phải căn cứ vào lời của hai nhân chứng hay căn cứ vào lời của ba nhân chứng, sự việc mới được cứu xét” (Đnl 19,15).
– “Bấy giờ vị thượng tế đứng lên giữa hội đồng hỏi Ðức Giêsu: “Ông không nói lại được một lời sao? Mấy người này tố cáo ông gì đó?”. Nhưng Ðức Giêsu vẫn làm thinh, không đáp một tiếng. Vị thượng tế lại hỏi Người: “Ông có phải là Ðấng Kitô, Con của Ðấng Ðáng Chúc Tụng không?”. Ðức Giêsu trả lời: “Phải, chính thế. Rồi các ông sẽ thấy Con Người ngự bên hữu Ðấng Toàn Năng và ngự giá mây trời mà đến”. Vị thượng tế liền xé áo mình ra và nói: “Chúng ta cần gì nhân chứng nữa?. Quý vị vừa nghe hắn nói phạm đến Thiên Chúa, quý vị nghĩ sao?” Tất cả đều lên án Người đáng chết. Thế là một số bắt đầu khạc nhổ vào Người, bịt mặt Người lại, vừa đánh đấm Người vừa nói: “Hãy nói tiên tri đi!” Và bọn lính canh túm lấy Người mà tát túi bụi.” (Mc 14,60-65).
– “Con Đấng Đáng Chúc Tụng”. Người Do Thái không bao giờ dám kêu đến Danh Thiên Chúa, nhưng phải nói tránh đi. “Đấng Đáng Chúc Tụng” chính là Thiên Chúa ! Câu hỏi sẽ là “Ông có phải là Con Thiên Chúa không ?”. Nơi Phúc Âm thánh Luca, câu hỏi đi vào trực tiếp: “Ông có phải là Đấng Messia thì nói cho chúng tôi biết” (Lc22,67). Đức Giêsu trả lời: “Phải ! chính thế !”(Mc 14,62). Thực ra câu tuyên xưng này không có gì là phạm thượng cả. Sau này chúng ta sẽ thấy những người đứng đầu các cuộc nổi dậy, đều tự xưng mình là Đấng Messia: tỉ dụ như Bar Kochbar vào năm 135 scn. Chính câu nói tiếp theo mới gây xúc động cho Công nghị: “Rồi các ông sẽ thấy Con Người ngự bên hữu Đấng Toàn Năng và ngự giá mây trời mà đến”. Trong câu này Đức Giêsu đã sử dụng hai đoạn sách Thánh: Tv 110,1 và Đn 7,13. Chúng ta đọc trong Tv 110,1: “Sấm ngôn của Đức Chúa ngỏ cùng Chúa Thượng tôi: “Bên hữu Cha đây, Con lên ngự trị, để rồi bao địch thù, Cha sẽ đặt làm bẹ dưới chân con.” Việc ngồi bên hữu, tức là sử dụng quyền năng của Thiên Chúa, một vị trí ngang hàng với Thiên Chúa. Lời nói phạm thượng đã được nêu lên: “Ông là con người mà dám xem mình ngang hành với Thiên Chúa”. Câu Đn 7,13 nói về thị kiến: “Có ai như một Con Người đang ngự giá mây trời mà đến.” Thường hình ảnh này được sử dụng để nói về Đấng Phán xét chung thẩm. Hai câu trích dẫn đều nói về thiên tính của Đức Giêsu, đồng thời cũng mang tính hăm dọa “những kẻ thù” trong cuộc xét xử chung thẩm.
– “Vị thượng tế liền xé áo mình ra”. Nghe từ “xé” sẽ nghĩ rằng ông sẽ xé toang áo ra, nhưng thực sự việc rất đơn giản: chiếc áo trắng dài mà người Do Thái thường mặc, không có nút nào cả, nơi cổ khoét rộng để lọt đầu, ngay cổ áo có hai dây nhỏ để cột cổ áo. Khi “xé”, vị thượng tế chỉ cần bức đứt hai sợi dây nhỏ này mà thôi. Hành động này rất phổ biến trong dân Do Thái:
a- khi nghe tin một người thân qua đời, khi nghe tin tức thống khổ của nhiều người, của cả dân tộc. Thái độ nói lên sự buồn khổ !
b- ý nghĩa thứ hai là khi nghe một lời phạm thượng ! bức xúc niềm tin, đau khổ không thể chịu được ! Đương nhiên một khi vị thượng tế “xé” áo mình ra vì lời phạm thượng, lập tức tất cả các vị tư tế, kỳ lão đang hiện diện cũng phải “xé” áo mình ra ! Thế là bản án đã mặc nhiên ký kết.
– Dù có 2 cuộc hỏi cung ban đêm, nhưng xử án ban tối không có giá trị đối với Lề Luật Do Thái.
Sau khi xử án xong, họ nhốt Đức Giêsu vào trong một phòng trong đền thờ, chờ đến sáng.
– Như thấy trong Lc 22,66: “Khi trời sáng đoàn kỳ mục trong dân, các thượng tế và kinh sư nhóm họp. Họ điệu Người ra trước Thượng Hội Ðồng”. Bản án chỉ có hiệu lực khi xử ban ngày. Vì thế, Công nghị phải họp lại, nhắc lại cuộc xử ban đêm một cách vội vã, để đem Người sang dinh tổng trấn: “Vị thượng tế lại hỏi Người: “Ông có phải là Ðấng Kitô, Con của Ðấng Ðáng Chúc Tụng không?” (c.62) Ðức Giêsu trả lời: “Phải, chính thế. Rồi các ông sẽ thấy Con Người ngự bên hữu Ðấng Toàn Năng và ngự giá mây trời mà đến”. (c.63) Vị thượng tế liền xé áo mình ra và nói: “Chúng ta cần gì nhân chứng nữa? (c.64) Quý vị vừa nghe hắn nói phạm đến Thiên Chúa, quý vị nghĩ sao?” Tất cả đều lên án Người đáng chết.
– Chúng ta biết từ khi đế quốc La mã đô hộ, Công nghị không còn quyền kết án và thi hành án tử. Đây là quyền của đế quốc La mã. Vì thế, Công nghị, một khi muốn giết Đức Giêsu, phải đưa đến Tổng Trấn.
3- CUỘC XỬ ÁN NƠI DINH PHILATO
Câu hỏi từ 2 ngàn năm nay được đưa ra, nhưng vẫn chưa có câu trả lời dứt khoát: AI CHỊU TRÁCH NHIỆM VỀ CÁI CHẾT CỦA ĐỨC GIÊSU ?
– Đọc Phúc Âm thánh Matthêu, chúng ta thấy một lời nói thật chua chát: “Tổng trấn Philatô thấy đã chẳng được ích gì mà còn thêm náo động, nên lấy nước rửa tay trước mặt đám đông mà nói: “Ta vô can trong vụ đổ máu người này. Mặc các ngươi liệu lấy!” Toàn dân đáp lại: “Máu hắn đổ xuống đầu chúng tôi và con cháu chúng tôi!” (Mt 27,24-25). Có lẽ từ câu nói này cộng thêm sự bách hại và nguyền rủa của người Do Thái mà nẩy sinh lòng thù ghét người Do Thái trong Kitô giáo ! Cả lịch sử Giáo hội đều cho thấy bóng đen của phong trào ANTISEMITISMUS đưa đến các SHOA, những trại tập trung của Đức Quốc Xã. Dấu ấn đen tối này cho đến nay vẫn chưa được rửa sạch. Luôn luôn kitô hữu vẫn cho Công nghị Do Thái là nhân tố chính đưa đến cái chết của Chúa. Thực sự, kẻ thi hành bản án là người La mã. Chúng ta nhớ trong cuộc nổi dậy lần thứ nhất chống người La mã vào những năm 66-70 scn của người Do Thái, kết thúc bằng cuộc tàn phá Đền Thờ Giêrusalem. Trong cuộc nổi dậy, tất cả kitô hữu đều rời khỏi thành Giêrusalem trước cuộc chiến, vì thế đối với người Do Thái, các kitô hữu đều là những kẻ phản bội. Từ ngày đó trong 18 lời chúc tụng mà bất cứ người Do Thái nào cũng phải đọc hằng ngày, đã thêm vào một lời nguyền rủa người kitô hữu. Sự xung khắc giữa kitô hữu và người Do Thái càng ngày càng lớn dần đến hôm nay.
– Kitô hữu ghét cay ghét đắng người Do Thái, thì ngược lại người La mã mới là tác nhân chính, đóng đinh Đức Giêsu, nhưng lại có cảm tình với kitô hữu. Không phải kitô hữu thương gì người La mã, nhưng sau khi người Do Thái nguyền rủa và bách hại kitô hữu, buộc kitô hữu phải lánh nạn vào trong đế quốc; đồng thời đế quốc là vùng truyền giáo mới mà kitô hữu cần gây cảm tình. Thế nên trong các Phúc Âm đã gia giảm bớt tội “giết Chúa” cho người La mã.
– Philatô không muốn dây dưa vào vấn đề tôn giáo; điều quan trọng của ông là chính trị và quân sự. Phúc Âm thánh Marcô ghi một câu: “Bởi ông (Philatô) thừa biết chỉ vì ghen tỵ mà các thượng tế nộp Người” (Mc 15,10). Vì thế, tổng trấn tìm cách tha Đức Giêsu. Ông đã thực hiện 3 lần, nhưng đều thất bại, đành phải ra lệnh đóng đinh Đức Giêsu: “Từ đó, ông Philatô tìm cách tha Người” (Ga 19,12)
– Lần thứ nhất: Philatô đã gởi Đức Giêsu đến với Herôđê, hy vọng là người đồng hương, Hêrôđê dễ dàng tha cho Đức Giêsu: “Nghe nói thế, ông Philatô liền hỏi xem đương sự có phải là người Galilê không. Và khi biết Người thuoäc thẩm quyền vua Hêrôđê, ông liền cho gửi Người đến vua Hêrôđê, lúc ấy đang có mặt tại Giêrusalem. Vua Hêrôđê thấy Ðức Giêsu thì mừng rỡ lắm, vì từ lâu vua muốn được gặp Người bởi đã từng nghe nói về Người. Vả lại, vua cũng mong được xem Người làm một hai phép lạ. Nhà vua hỏi Người nhiều điều, nhưng Người không trả lời gì cả. Các thượng tế và kinh sư đứng đó, tố cáo Người dữ dội. Vua Hêrôđê cùng với bọn lính tỏ ra khinh dể Người, khoác cho Người một chiếc áo rực rỡ mà chế giễu, rồi cho giải Người lại cho ông Philatô. Ngày hôm ấy, vua Hêrôđê và tổng trấn Philatô bắt đầu thân thiện với nhau, chứ trước kia hai bên vẫn hiềm thù.”(Lc 23, 6-12).
– Lần thứ hai: cho dân Do Thái chọn lựa giữa Đức Giêsu và Baraba: “Theo tục lệ của các người, vào dịp lễ Vượt Qua, ta thường tha cho một người nào đó cho các người. Vậy các người có muốn ta tha vua dân Dothái cho các người không?. Họ lại la lên rằng: “Ðừng tha nó, nhưng xin tha Baraba!” Mà Baraba là một tên cướp”(Ga 18,39).
– Lần thứ ba: đánh đòn Đức Giêsu: “ Bấy giờ ông Philatô truyền đem Ðức Giêsu đi và đánh đòn Người. Bọn lính kết một vòng gai làm vương miện, đặt lên đầu Người, và khoác cho Người một áo choàng đỏ. Họ đến gần và nói: Kính chào Vua dân Dothái!, rồi vả vào mặt Người. Ông Philatô lại ra ngoài và nói với người Dothái: “Ðây ta dẫn ông ấy ra ngoài cho các người, để các người biết là ta không tìm thấy lý do nào để kết tội ông ấy”. Vậy, Ðức Giêsu bước ra ngoài, đầu đội vương miện bằng gai, mình khoác áo choàng đỏ. Ông Philatô nói với họ: “Ðây là người!” Khi vừa thấy Ðức Giêsu, các thượng tế cùng các thuộc hạ liền kêu lên rằng: “Ðóng đinh, đóng đinh nó vào thập giá!” Ông Philatô bảo họ: Các người cứ đem ông này đi mà đóng đinh vào thập giá, vì phần ta, ta không tìm thấy lý do để kết tội ông ấy. Người Dothái đáp lại: Chúng tôi có Lề Luật; và chiếu theo Lề Luật, thì nó phải chết, vì nó đã xưng mình là Con Thiên Chúa. Nghe lời đó, ông Philatô càng sợ hơn nữa. Ông lại trở vào dinh và nói với Ðức Giêsu: Ông từ đâu mà đến?. Nhưng Ðức Giêsu không trả lời. Ông Philatô mới nói với Người: Ông không trả lời tôi ư? Ông không biết rằng tôi có quyền tha và cũng có quyền đóng đinh ông vào thập giá sao?. Ðức Giêsu đáp lại: Ngài không có quyền gì đối với tôi, nếu Trời chẳng ban cho ngài. Vì thế, kẻ nộp tôi cho ngài thì mắc tội nặng hơn”.(Ga 19,1-11).
4- CHÚA GIÊSU CHỊU ĐÁNH ĐÒN
Bà thánh Têrêsa Cả trong một đêm Giáng sinh, khi thấy tấm ảnh Chúa chịu đánh đòn, đã xúc động và ăn năn trở lại. Chúng ta chỉ nghe Chúa Giêsu chịu đánh đòn, nhưng như thế nào, không ai biết cả. Ngày nay, nhân cuộc khám phá TẤM KHĂN LIỆM THÀNH TURINÔ, chúng ta mới có thể hiểu được cuộc đánh đòn này.
Dựa theo các dấu roi trên thân xác tử tội được đặt trong khăn liệm, các nhà khoa học đã kết luận:
– Vì các vết roi còn ghi lại trên đầu, lưng, hai cánh tay và bên hông, các nhà khoa học xác định: người bị đánh đòn bị trói khom lưng vào một trụ đá, hoàn toàn đưa lưng cho lý hình dễ đánh. Tử tội gần như ôm cột đá.
– Cây roi có một cáng dài độ nửa thước, phía trên có 5 sợi dây da. Mỗi dây có buộc thêm 5 cục chì. Như thế, một roi đánh vào đầu hay thân xác người tử tội, gồm 25 chục chì.
– Căn cứ vào các vết roi, các nhà khoa học cho rằng ít nhất là 10 người đã đánh đòn Đức Giêsu. Chúng ta biết đó là những người lính La mã lực lưỡng, khỏe mạnh. Họ đánh để cười nhạo người Do Thái, để trả thù, vì người Do Thái mà họ phải xa quê hương, vì người Do Thái mà nhiều người trong họ đã bị giết do nhóm Zelốt. Tất cả cơn giận của lính La mã trút lên người Đức Giêsu. Họ đánh đập không còn phân biệt đâu là đầu, đâu là thân mình.
– Sau trận đòn, Đức Giêsu đã mê man vì xuất huyết nội. Những ngọn roi đập vào đầu, vào lưng gây xuất huyết trong sọ, trong phổi. Nếu không bị đóng đinh, Đức Giêsu cũng phải chết vì trận đòn này.
Sau trận đòn là cuộc chế nhạo người Do Thái: “Lính điệu Ðức Giêsu vào bên trong dinh, tức là dinh tổng trấn và tập trung cả cơ đội lại. Chúng khoác cho Người một tấm áo điều, và kết một vòng gai làm vương miện đặt lên đầu Người. Rồi chúng chào bái Người: “Vạn tuế đức vua dân Dothái!” Chúng dùng cây sậy đập đầu Người, khạc nhổ vào Người, và quỳ gối bái lạy. Chế giễu chán, chúng lột áo điều Người ra để đóng đinh vào thập giá.” (Mc 15,16-20).
5- CON ĐƯỜNG THẬP GIÁ
“(14) Hôm ấy là ngày áp lễ Vượt Qua, vào khoảng mười hai giờ trưa. Ông Philatô nói với người Dothái: “Ðây là vua các người!” (15) Họ liền la lớn: “Ðem đi! Ðem nó đi! Ðóng đinh nó vào thập giá!” Ông Philatô nói với họ: “Chẳng lẽ ta lại đóng đinh vua các người sao?” Các thượng tế đáp: “Chúng tôi không có vua nào cả, ngoài Xêda”. (16) Bấy giờ ông Philatô trao Ðức Giêsu cho họ đóng đinh vào thập giá.
Cả ba Phúc Âm Nhất Lãm đều nói đến việc có người vác thập giá đỡ cho Đức Giêsu. Phúc Âm thánh Gioan không đá động gì đến:
-“Lúc ấy, có một người từ miền quê lên, đi ngang qua đó, tên là Simon, gốc Kyrênê. Ông là thân phụ hai ông Alêxanđê và Ruphô. Chúng bắt ông vác thập giá đỡ Ðức Giêsu. Chúng đưa Người lên một nơi gọi là Gôngôtha, nghĩa là Ðồi Sọ”. (Mc 15,21-22)
-“Ðang đi ra, thì chúng gặp một người Kyrênê, tên là Simon; chúng bắt ông vác thập giá của Người”. (Mt 27,32).
-“Khi điệu Ðức Giêsu đi, họ bắt một người từ miền quê lên, tên là Simôn, gốc Kyrênê, đặt thập giá lên vai cho ông vác theo sau Ðức Giêsu” (Lc 23,26).
“Có một người từ miền quê lên, đi ngang qua đó”. Ba Phúc Âm Nhất lãm đều cho tên ông là “Simon gốc Kyrênê”, có lẽ là KYRENAIKA, đây là một vùng ở Bắc Phi, có lẽ là nơi một số người Do Thái bị bắt lưu đày sang nơi đó. Hình ảnh một người cùng vác thập giá với Đức Giêsu gợi lên cho người tín hữu một ấn tượng rất mạnh: CÙNG VÁC THẬP GIÁ VỚI ĐỨC KITÔ. Để xác minh con người này, cộng đoàn tiên khởi truy tìm và ghi lại cả tên của hai người con của ông: Alêxanđê và Ruphô.
Thập giá gồm một cây dài và một cây ngang. Cây dài thẳng đứng, luôn được chôn trên chổ hành hình, tức là đồi Gôlghôta, đồi Sọ, vì có hình cái sọ. Từ trong thành, người dân luôn luôn thấy những cây dọc đứng này. Đây là dụng cụ hăm dọa để dân Do Thái đừng phản loạn, đừng nỗi dậy. Vì thế, tử tội chỉ vác cây ngang (PATIBULUM) đi qua thành phố: lại một hình thức hăm dọa. Khi đến nơi hành hình, lý hình sẽ đóng lại thành cây thập giá, đóng đinh tử tội vào và dựng lên, cả cây thập giá và người bị đóng đinh.
Theo (Ga 19,25), Đức Giêsu bị treo trên một STAURÓS. Stauros là một thứ thập giá hình chữ T, tức là không có phần trên, ló lên khỏi cây ngang. Nhưng đại đa số đều xem Đức Giêsu bị đóng đinh trên một thập giá (CRUZ) và động từ được dùng để chỉ việc đóng đinh là ANASTAUROO. Ít khi nói thập giá của Đức Giêsu là ZYLON (CÂY GỖ) như Cv 5,30 và Gl 3,13. Zýlon gợi lên lời nguyền rủa trong Đnl 21,22 ( “khi một người có tội đáng phải án chết đã bị xử tử, và anh em đã treo nó lên “cây”, nhưng anh em phải chôn ngay hôm ấy, vì người bị treo là đồ bị Thiên Chúa nguyền rủa. Anh em không được làm cho đất của anh em ra ô uế, đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, ban cho anh em làm gia nghiệp”)
Tại sao phải có người vác thập giá của Đức Giêsu ? Theo các nhà khoa học, sau trận đòn do 10 người lực lưỡng đánh bằng roi có gắn những cục chì, Đức Giêsu bị xuất huyết nội và đã mê man. Người đi không còn vững và có thể chết bất cứ lúc nào. Vì cần phải để cho Đức Giêsu sống cho đến lúc đóng đinh, nên quân lính cố giữ lấy mạng sống của Người, đành cho ông nhà quê vác hộ.
6- ĐỨC GIÊSU CHỊU ĐÓNG ĐINH
Thường những bức tranh hay tượng đều vẻ Đức Giêsu bị đóng đinh ngay giữa lòng bàn tay. Nay dựa vào khăn liệm thành Turinô, các nhà khoa học khẳng định: nếu đóng đinh vào giữa lòng bàn tay, khi bị treo lên, đinh sẽ làm tét bàn tay, làm cho thân của người tử tội bị đổ xuống, vì không có một điểm tựa nào chắc chắn. Thế nên, đinh đóng nơi tay, sẽ đóng dưới cùm tay, giữa hai xương cánh tay. Xương cùm tay sẽ giữ cho thân thể người tử tội không bị đổ xuống.
Về đinh đóng ở bàn chân, có thể một đinh dài đóng cả hai bàn chân để chồng lên nhau, hoặc đóng rời từng bàn chân vào thập giá.
Theo các nhà khoa học, tử tội bị treo trên thập giá, có thể sống lây lất từ 3 đến 7 ngày. Để kéo dài thời gian cho tử tội đứng trên thập giá, lý hình thường đóng thêm một cái bệ ở thập giá để tử tội có thể dựa mông vào, hoặc một bệ nhỏ dưới hai bàn chân để giữ thân xác tử tội lại. Vì thế có những họa sĩ vẻ Đức Giêsu bị đóng hai chân trực tiếp vào bệ nhỏ được đóng thêm vào thập giá.
Về Đức Giêsu:
-Đức Giêsu đứng trên cây thập giá bao nhiêu tiếng đồng hồ ? Theo Thánh Luca, Người bị đóng đinh vào lúc 12 giờ trưa đến 3 giờ chiều: “Bấy giờ đã gần tới giờ thứ sáu, thế mà bóng tối bao phủ khắp mặt đất, mãi cho đến giờ thứ chín” (Lc 23,44). Thánh Matthêu cũng ghi nhận như thế : “Từ giờ thứ sáu, bóng tối bao phủ cả mặt đất, mãi đến giờ thứ chín” (Mt 27, 45). Còn Thánh Gioan lại cho con đường thập tự bắt đầu vào lúc12 giờ trưa: “Hôm ấy là ngày áp lễ Vượt Qua, vào khoảng 12 giờ trưa” (Ga 19, 14). Trong khi đó thánh Marcô là xác định: “Lúc chúng đóng đinh Người là giờ thứ ba” (Mc 15,25). Giờ nào đây ? Chắc chắn không thể chấp nhận giờ của Thánh Marcô được, lý do biết bao chuyện phải diễn ra trước lúc đóng đinh: xử án vào lúc 6 giờ sáng tại Công Nghị; đoàn lũ đưa Đức Giêsu đến dinh Pilatô, lại đưa đến nhà Hêrôđê, rồi trở lại dinh Pilatô, đánh đòn, chế nhạo, con đường thập tự …Biết bao sự kiện như vậy không thể diễn ra trong 3 tiếng đồng hồ được. Có thể nói 3 Phúc Âm khác đã cho giờ chính xác. Vậy Thánh Marcô muốn nói gì ? Thực ra chúng ta biết, người Do Thái phải đọc kinh vào những giờ giấc nhất định trong ngày: 6 giờ sáng, 9 giờ, 12 giờ, 3 giờ chiều và 6 giờ chiều. Biến cố đóng đinh được đưa vào giờ phụng vụ như một biến cố thánh thiêng dâng lên Thiên Chúa, như một lời cầu kinh, như một lễ vật.
-Người bị đóng đinh cùng với hai tên gian phi: “Khi đến nơi gọi là “Đồi Sọ”, họ đóng đinh Người vào thập giá, cùng lúc với hai tên gian phi, một tên bên phải, một tên bên trái” (Lc 23,33).
-“ (33) Khi đến nơi gọi là Gôngôtha, nghĩa là Ðồi Sọ, (34) chúng cho người uống rượu pha mật đắng, nhưng Người chỉ nếm một cht m khơng chịu uống. (35) Ðĩng đinh Người vào thập giá xong, chúng đem áo Người ra bắt thăm mà chia nhau. (36) Rồi chúng ngồi đó mà canh giữ Người. (Mt 27,33-36). Theo thói quen, khi có những cuộc đóng đinh như thế (chúng ta biết bản án đóng đinh dành cho những người nổi loạn, nhưng đối với người Do Thái đây là những anh hùng dám nổi dậy để chống đế quốc La mã, vì chỉ muốn giải phóng dân chúng – thế nên chúng ta không lạ gì khi dân chúng chọn Barabbas [BAR ABBA – CON CỦA CHA một tước danh của Đấng Messias ] hơn là Đức Giêsu), có rất nhiều phụ nữ đi theo, khi tới Gôlgôtha, họ cho tử tội uống rượu pha với mộc dược, để họ ngất đi quên chút đau đớn. Ở đây chúng ta thấy không phải phụ nữ mà là lính La mã, những người hành hình Chúa.
-Bản án kê khai tội phản loạn: “Ông Philatô cho viết một tấm bảng và treo trên thập giá; bảng đó có ghi: “Giêsu Nadarét, Vua dân Dothái”. Trong dân Do thái, có nhiều người đọc được bảng đó, vì nơi Ðức Giêsu bị đóng đinh là một địa điểm ỏ gần thành. Tấm bảng này viết bằng các tiếng Hípri, Latinh và Hylạp. Các thượng tế của người Dothái nói với Philatô: “Xin ngài đừng viết: “Vua dân Dothái” nhưng viết: “Tên này đã nói: Ta là Vua dân Dothái”. “Ông Philatô trả lời: “Ta viết sao, cứ để vậy!”(Ga 19,19-22).
-Trên thập giá Đức Giêsu đã bị sỉ nhục:
+ Do các thượng tế, kinh sư và kỳ mục: “Dân chúng đứng nhìn, còn các thủ lãnh thì buông lời cười nhạo”(Lc 23,35)
+ “Kẻ qua người lại đều nhục mạ Người, vừa lắc đầu vừa nói: “Mi là kẻ phá được Ðền Thờ, và nội trong ba ngày xây lại được, hãy cứu lấy mình đi! Nếu mi là Con Thiên Chúa, thì xuống khỏi thập giá xem nào!” Các thượng tế, kinh sư và kỳ mục cũng chế giễu Người mà nói: “Hắn cứu được thiên hạ, mà chẳng cứu nổi mình. Hắn là vua Ítraen! bây giờ hắn cứ xuống khỏi thập giá đi, thì chúng ta tin hắn liền! Hắn cậy vào Thiên Chúa, thì bây giờ Người cứu hắn đi, nếu quả thật Người thương hắn! Vì hắn đã nói: “Ta là Con Thiên Chúa!”(Mt 27, 39-43)
+ Người gian phi: “Một trong hai tên gian phi bị treo trên thập giá cũng nhục mạ Người: “Ông không phải là Ðấng Kitô sao? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với!” Nhưng tên kia mắng nó: “Mày đang chịu chung một hình phạt, vậy mà cả Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ! Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái!” Rồi anh ta thưa với Ðức Giêsu: “Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!” Và Người nói với anh ta: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Ðàng”.(Lc 23, 39-43).
7- ĐỨC GIÊSU CHẾT
-“Sao Ngài bỏ rơi con”. Đứng trên thập giá, Đức Giêsu đã kêu lên như thế. Thiên Chúa Cha có bỏ rơi Đức Giêsu hay không ? Thần học sẽ trả lời câu nói này. Nếu đúng theo Luật Do Thái vào lúc 13 giờ, Đền Thờ sẽ thổi tù và, báo hiệu giờ giết chiên theo Luật đã đến, các kỳ mục phải trở về Đền Thờ, mọi người phải đem chiên đến Đền Thờ cho các thầy tư tế giết. Và khi giết chiên như thế, cả Đền thờ đều đọc Thánh vịnh 22 (21):
Lạy Chúa con thờ, muôn lạy Chúa,
Ngài nỡ lòng ruồng bỏ con sao ?
Dù con thảm thiết kêu gào
Nhưng ơn cứu độ nơi nao xa vời
Nhiều nhà Thánh Kinh cho rằng trong lúc mê man, Đức Giêsu vẫn còn nghe được văng vẵng tiếng tù giết chiên. Và như một người Do Thái đạo đức, Người đã nhớ đến Thánh Vịnh giết chiên. Nhưng Thánh vịnh này lại ám hạp ngay lúc Chúa còn phải đứng trên thập giá.
-“ Ðức Giêsu lại kêu lên một tiếng lớn, rồi tắt thở. Bức màn trướng trong Ðền Thờ bỗng xé ra làm hai từ trên xuống dưới. Viên đại đội trưởng đứng đối diện với Ðức Giêsu, thấy Người tắt thở như vậy liền nói: “Quả thật, người này là Con Thiên Chúa”.” (Mc 15, 37-39).
– Chúng ta đã nói: người tử tội bị đóng đinh có thể sống lây lất từ 3 ngày đến 7 ngày. Tại sao Đức Giêsu chết quá mau như vậy. Tất cả các nhà khoa học đều cho rằng vì trận đòn quá độc ác, Đức Giêsu đã xuất huyết nội qua nhiều và đã mê man từ sau trận đòn đó. Người còn đứng vững trên thập giá mấy tiếng đồng hồ như thế, phải nói rằng Người rất khoẻ mạnh.
– “Hôm đó là ngày áp lễ, người Dothái không muốn để xác chết trên thập giá trong ngày sabát, mà ngày sabát đó lại là ngày lễ lớn. Nên họ xin ông Philatô cho đánh giập ống chân các người bị đóng đinh và lấy xác xuống. Quân lính đến, đánh giập ống chân người thứ nhất và người thứ hai cùng bị đóng đinh với Ðức Giêsu. Khi đến gần Ðức Giêsu và thấy Người đã chết, họ không đánh giập ống chân Người. Nhưng một người lính lấy giáo đâm cạnh sườn Người. Tức thì, máu cùng nước chảy ra. Người xem thấy việc này đã làm chứng, và lời chứng của người ấy xác thực; và người ấy biết mình nói sự thật để cho cả anh em nữa cũng tin. Các việc này đã xảy ra để ứng nghiệm lời Kinh Thánh: Không một khúc xương nào của Người sẽ bị đánh giập. Lại có lời Kinh Thánh khác:Họ sẽ nhìn lên Ðấng họ đã đâm thâu.” (Ga 19, 31-37)
Người ta đã đâm Chúa, máu và nước chảy ra, tức là những giọt nước và máu cuối cùng trong thân xác Người còn đọng lại nơi con tim, cũng đã chảy ra hết, cũng đã được ban cho nhân loại. Đức Giêsu không tiếc gì với chúng ta. Người trao ban cho chúng ta tất cả không những mạng sống của Người, mà ngay cả giọt máu cuối cùng, Người cũng không dành lại cho mình. Đây là dấu chứng tình yêu tuyệt đối của một Thiên Chúa: “Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết là TÔI HẰNG HỮU” (Ga 8,28). Người lính đâm cạnh sườn, để bảo đảm Đức Giêsu đã chết thật. Ít nhất sự kiện lịch sử này cũng đủ minh chứng là Đức Giêsu đã chết thật, vì có những người cho rằng Đức Giêsu chỉ bị ngất đi, rồi sau đó tỉnh lại và trốn thoát. Các môn đệ mới dựng nên câu chuyện Chúa đã phục sinh. Lý thuyết này thật không vững, nhưng vẫn có những người muốn phá đổ Kitô giáo, loại huyền thoại, loại tất cả những gì siêu nhiên nơi Kitô giáo, biến Kitô giáo trở thành một triết lý trần tục, mang tính dối trá. Thêm nữa, sau khi bị đâm thâu như thế, Người được chôn trong huyệt đá với cả trăm cân mộc dược, hương trầm, như thế cũng đủ làm cho người ta chết.
“Sau đó, ông Giôxép, người Arimathê, xin ông Philatô cho phép hạ thi hài Ðức Giêsu xuống. Ông Giôxép này là một môn đệ theo Ðức Giêsu, nhưng cách kín đáo, vì sợ người Dothái. Ông Philatô chấp thuận. Vậy, ông Giôxép đến hạ thi hài Người xuống. Ông Nicôđêmô cũng đến. Ông này trước kia đã tới gặp Ðức Giêsu ban đêm. Ông mang theo chừng một trăm cân mộc dược trộn với trầm hương. Các ông lãnh thi hài Ðức Giêsu, lấy băng vải tẩm thuốc thơm mà cuốn, theo tục lệ chôn cất của người Dothái. Nơi Ðức Giêsu bị đóng đinh có một thửa vườn, và trong vườn, có một ngôi mộ còn mới, chưa chôn cất ai. Vì hôm ấy là ngày áp lễ của người Dothái, mà ngôi mộ lại gần bên, nên các ông mai táng Ðức Giêsu ở đó”.(Ga 19, 38-42).
Tại sao những kẻ gian phi bị đánh dập ống chân ?
“Hôm đó là ngày áp lễ, người Dothái không muốn để xác chết trên thập giá trong ngày sabát, mà ngày sabát đó lại là ngày lễ lớn. Nên họ xin ông Philatô cho đánh giập ống chân các người bị đóng đinh và lấy xác xuống. Quân lính đến, đánh giập ống chân người thứ nhất và người thứ hai cùng bị đóng đinh với Ðức Giêsu. Khi đến gần Ðức Giêsu và thấy Người đã chết, họ không đánh giập ống chân Người. Nhưng một người lính lấy giáo đâm cạnh sườn Người. Tức thì, máu cùng nước chảy ra.” (Ga 19,31-34).
Chúng ta đã nói, nếu không có gì đặc biệt, người tử tội bị đóng đinh có thể sống trên cây thập giá từ 3 ngày đến 7 ngày. Tai sao đánh gập ống chân, họ lại chết quá mau ? Chúng ta cũng đã nói, thường lý hình cũng làm một bệ nhỏ để người tử tội có thể dựa vào hay đứng lên trên. Khi bị đánh gãy ống chân, họ không còn điểm tựa, chỉ còn hai tay bị treo trên thập giá. Sức hút của trái đất làm cho máu của họ chảy xuống, không thể nào lên tới đầu được và như thế chỉ trong vòng 15 phút là họ phải chết vì máu không lên được não: não thiếu dưỡng khí !
Việc chôn cất Chúa phải hoàn tất trước 18 giờ chiều, vì là giờ khởi đầu Đại Lễ Vượt Qua. Ngày thứ nhất trong tuần Đức Giêsu đã chỗi dậy: “Ngày thứ nhất trong tuần, vừa tảng sáng, các bà đi ra mộ, mang theo dầu thơm đã chuẩn bị sẵn. Họ thấy tảng đá đã lăn ra khỏi mộ. Nhưng khi bước vào, họ không thấy thi hài Chúa Giêsu đâu cả. Họ còn đang phân vân, thì kìa hai người đàn ông y phục sáng chói, đứng bên họ. Ðang lúc các bà sợ hãi, cúi gầm xuống đất, thì hai người kia nói: “Sao các bà lại tìm Người Sống ở giữa kẻ chết?. Người không còn đây nữa, nhưng đã sống lại rồi. Hãy nhớ lại điều Người đã nói với các bà hồi còn ở Galilê, là Con Người phải bị nộp vào tay phường tội lỗi, và bị đóng đinh vào thập giá, rồi ngày thứ ba sống lại”.(Lc 24,1-7).
Chúa Giêsu bị phản bội, bị hiểu lầm, bị ghen ghét, chịu kết án cách bất công để cứu nhân loại khỏi án phạt đời đời. Người đã chết để đền tội, để chuộc tội, để gánh tội, để cứu độ con người. Người cho chúng ta được thông phần cuộc sống của Đấng “là Đường, là Sự Thật, và là Sự Sống”, cho chúng ta “được sống dồi dào”.
Con người được dựng nên để sống và sống để yêu Chúa và để yêu nhau. Thiên Chúa là tình yêu nên đã sáng tạo muôn loài, đã tạo dựng và cứu chuộc con người. Nhập Thể và Cứu Chuộc là mầu nhiệm của tình yêu. Chúa Giêsu đã chấp nhận đau thương để đem lại yêu thương cho con người. Người đã biến đổi viên mãn của đau thương thành viên mãn của yêu thương qua cuộc khổ nạn ( x. 1 Cr 15, 26. 54; Dt 2, 14 ), để từ trong cái chết vì tình yêu, sự sống vươn lên tươi đẹp như một mùa lúa mới ( Ga 12, 24 ).
TUẦN THÁNH, chúng ta cùng bước theo con đường thập giá của Đức Kitô. Đó là con đường đau khổ, nhưng cũng là con đường tình yêu và là con đường cứu độ.
Các Giờ Phụng Vụ trong Tuần này thường kéo dài nhiều giờ; nhưng đây là dịp để chúng ta hy sinh nhiều thời giờ hơn vào việc cầu nguyện, suy ngẫm Lời Chúa và sống các Mầu Nhiệm trong Tuần Thánh.
Xin hãy cầu nguyện cho nhau để trong những ngày trọng đại này, chúng ta hy sinh nhiều hơn trong sự suy ngẫm các mầu Nhiệm cuộc đời đau khổ, chịu nạn, chịu chết và phục sinh của Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.
Xin Mẹ Maria, Thánh Giuse và các Thánh chuyển cầu cùng Chúa cho chúng ta được chết đi với tội lỗi, cải thiện đời sống để được cùng sống lại với Chúa trong đời sống trong sạch, hoà hợp yêu thương và nhiệt thành phụng sự Chúa và mọi người trong cuộc sống hàng ngày.
(Viết theo “Giáo trình Bí Tích Thánh Thể”, ĐCV Thánh Giuse Sài gòn 1996; “Giáo trình Kitô học”, ĐCV Thánh Giuse Sài gòn 2007- Cha Giáo Aug. Nguyễn Văn Trinh.)
Số lượt truy cập: (82)