Get Adobe Flash player
NHẬT KÝ XÂY DỰNG THÁNH ĐƯỜNG
FACEBOOK Của Chúng Tôi
CẬP NHẬT HÌNH ẢNH XÂY DỰNG THÁNH ĐƯỜNG
THÔNG BÁO CẦN THIẾT

CẢI TỔ Ở VATICAN

ĐGH Phanxicô chọn ban cố vấn 8 người, chỉ có 1 người là quan chức Vatican hiện hành:
các cố vấn từ Bắc, Trung và Nam Mỹ, Châu Phi, Châu Á, Châu Âu và Úc

Thứ bảy vừa qua, Đức Giáo hoàng Phanxicô bổ nhiệm 8 hồng y từ khắp nơi trên thế giới để cố vấn cho ngài về việc điều hành Giáo hội Công giáo và cải tổ bộ máy hoạt động của Vatican, đánh dấu tháng đầu tiên của mình trên cương vị Giáo hoàng với bước đầu chủ động phản ánh tính phổ quát của Giáo Hội trong các quyết định quản trị quan trọng.

Ban cố vấn chỉ có một quan chức Vatican hiện nay. Phần còn lại là các hồng y thuộc Bắc, Trung và Nam Mỹ, châu Phi, châu Á, châu Âu và Úc. Nhiều người đã lên tiếng kêu gọi cải tổ bộ máy hoạt động của Vatican, vốn lần cuối được cải cách đã 25 năm, trong khi những người khác cố gắng làm trong sạch Giáo Hội khỏi các vụ lạm dụng tình dục.

Trong thời gian chuẩn bị các cuộc họp mật viện đã bầu vị Giáo hoàng châu Mỹ Latinh đầu tiên cách đây 1 tháng, nhiều hồng y yêu cầu Vatican cần đáp ứng những nhu cầu thiết thực và nói bộ máy điều hành Toà Thánh phải được chấn chỉnh. Bao gồm đại diện của mỗi châu lục khác nhau, Ban Cố vấn Thường trực cho Đức Giáo hoàng dường như góp phần thực hiện những điều kêu gọi trên.

Thông báo hôm thứ bảy, Vatican cho biết Đức Phanxicô đã có ý tưởng thành lập Ban Cố vấn ngay từ các cuộc họp trước Mật tuyển viện, lúc các phương triện truyền thông loan tải những phàn nàn trên. “Ngài đã thành lập một nhóm các hồng y để cố vấn cho ngài trong việc cai quản Giáo Hội hoàn vũ và nghiên cứu chỉnh sửa Tông hiến Pastor Bonus của Giáo triều Rôma”, thông báo cho biết.

Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã ban hành Tông hiến Pastor Bonus vào năm 1988, và Tông hiến đã hoạt động hiệu quả như bản chỉ dẫn điều hành bộ máy hành chính của Toà Thánh, được gọi là Giáo triều Rôma, và Nhà nước Thành phố Vatican. Tông hiến chỉ rõ công việc và các thể chế của thánh bộ, hội đồng giáo hoàng và các cơ quan tạo nên bộ máy quản trị của Giáo hội Công giáo.

Pastor Bonus là bản chỉnh sửa văn kiện năm 1967, vốn đánh dấu sự cải cách lớn cuối cùng bộ máy hành chính Vatican do Đức Giáo hoàng Phaolô VI thực hiện.

Cải cách bộ máy hành chính Vatican được mong đợi nhiều năm qua. Tuy nhiên, người ta cho rằng cả hai Giáo hoàng Gioan Phaolô và Bênêđictô XVI về cơ bản ưu tiên các vấn đề khác hơn việc nội chính của Toà Thánh. Nhưng các lời kêu gọi thay đổi trở nên mạnh mẽ hơn sau vụ rò rỉ tài liệu giáo hoàng năm ngoái cho thấy cuộc đấu đá trong nội bộ, cáo buộc tham nhũng trong việc điều hành Vatican, thậm chí có âm mưu bởi giới chức Vatican cao cấp cho thấy Công giáo nổi lên như là những đồng tính nam.

Vatican cho hay, Ban Cố vấn cho Đức Phanxicô sẽ họp phiên khai mạc từ ngày 1 đến 3-10, dù hiện nay Đức Phanxicô đã làm việc với các thành viên. Không có thêm ngày khác được công bố, dấu hiệu cho thấy Đức Phanxicô không đặc biệt vội vàng chấn chỉnh mọi việc.

Phát ngôn viên Toà Thánh, Linh mục Federico Lombardi, nhấn mạnh rằng các hồng y trong Ban Cố vấn là cơ quan tham vấn, không phải là cơ quan quyết định, và họ sẽ không giữ vị trí trong bộ máy hành chính Vatican. Lời bình luận xuất hiện nhằm tái khẳng định các viên chức Vatican không bị đứng ngoài so với một cơ quan cố vấn đối trọng phản ánh sự phân bổ địa lý của Giáo Hội ngày nay.

Giáo Hội đang đang phát triển và phần lớn số tín hữu Công giáo trên thế giới ở Nam bán cầu, trong khi con số ở châu Âu đang bị thu hẹp. Tuy nhiên, Vatican và Hồng y đoàn gồm 200 vị, theo truyền thống là những nhà cố vấn hàng đầu của Đức Giáo hoàng, phần lớn là người châu Âu.

Cha Lombardi cho biết thực tế là Đức Phanxicô lựa chọn hồng y từ mỗi châu lục, dấu chỉ ngài muốn phản ánh bản chất phổ quát của Giáo Hội trong các quyết định tại Vatican.

“Giáo triều Rôma vẫn duy trì các chức năng cơ bản giúp Giáo hoàng trong công tác quản trị Giáo Hội hoàn vũ hằng ngày”, Cha Lombardi nói với Đài Phát thanh Vatican. “Việc đặt tên nhóm này, mang nghĩa tích hợp lại, thể hiện quan điểm hoàn vũ và tiếng nói từ những phần khác nhau trên thế giới.”

Thành viên Ban Cố vấn bao gồm Hồng y người Ý Giuseppe Bertello, Tổng Quản lý Nhà nước Thành phố Vatican – một vị trí quan trọng, ngoài việc trông coi các lĩnh vực khác, ngài giám sát các bảo tàng đem lại nguồn thu cho Vatican. Các thành viên khác không là quan chức của Vatican gồm: Hồng y Francisco Javier Errazuriz Ossa, Tổng Giám mục về hưu Santiago, Chilê; Oswald Gracias, Tổng Giám mục Mumbai, Ấn Độ; Reinhard Marx, Tổng Giám mục Munich và Freising, Đức; Laurent Monsengwo Pasinya, Tổng Giám mục Kinshasa, Congo; Sean Patrick O’Malley, Tổng Giám mục Boston; George Pell, Tổng Giám mục Sydney, Úc; và Oscar Andres Rodriguez Maradiaga, Tổng Giám mục Tegucigalpa, Honduras, làm điều phối viên.

Đức ông Marcello Semeraro, Giám mục Albano, Italy, Thư ký Ban cố vấn.

O’Malley, tu sĩ Dòng Phanxicô, đã dành sự nghiệp của mình làm sạch Giáo Hội từ các vụ linh mục lạm dụng tình dục. Trong thời gian chuẩn bị Mật tuyển viện, Pell đã thẳng thắn nói về sự cần thiết phải cải cách bộ máy hành chính. Maradiaga, Giám đốc Liên đoàn Bái ái Caritas Quốc tế của Giáo Hội và là một người ôn hoà trong Hồng y đoàn, đã không e ngại chỉ trích thiếu sót của giáo triều.

Theo lý thuyết, các vị Giáo hoàng tự chọn các hồng y làm cố vấn; ngoài việc bỏ phiếu tại Mật tuyển viện, tham vấn cho Đức Giáo hoàng là công việc chính của các hồng y. Nhưng cả Đức Gioan Phaolô II và Bênêdictô XVI đều không thường xuyên sử dụng sự cố vấn của các hồng y, một phần vì quá xa và con số hơn 200 vị.

Với một nhóm nhỏ do Đức Giáo hoàng tự chọn đặc biệt để tư vấn cho ngài trong việc điều hành Giáo Hội và cải tổ Vatican, điều đó cho thấy, Đức Phanxicô muốn một hình thức quản trị chuyên nghiệp hơn cho triều đại Giáo hoàng của ngài. Điều đó cũng giống như việc ngài miễn cưỡng gọi mình là Giáo hoàng thay vì thích mang danh hiệu Giám mục Roma hơn.

Cựu Hồng y Jorge Mario Bergoglio được ghi nhận là người độc lập những lúc thật sự quyết định.

Trong cuốn sách “Dòng Tên” do người viết tiểu sử chính thức của ngài có viết: “Người ta có thể tham vấn, nhưng cuối cùng, người ta phải quyết định một mình.” Vì thế, khi quyết định một mình sẽ dễ mắc sai lầm và Bergoglio cũng thừa nhận là đã phạm nhiều sai lầm trong đời.

“Đó là lý do quan trọng để cầu xin Thiên Chúa”, ngài nói.

Trong thời gian chuẩn bị bầu Giáo hoàng, các hồng y cũng đã thấy rõ tình trạng hiện tại của Vatican là không thể chấp nhận. Thành lập một Uỷ ban Cố vấn bao gồm những vị trọng trách đối với hiện trạng cho thấy sự cải tổ quan trọng sắp xảy ra.

Một số hồng y cho rằng cần giới hạn nhiệm kỳ công việc tại Vatican để ngăn ngừa các linh mục trở nên quan liêu trong công việc. Các vị hồng y này muốn báo cáo tài chính hợp nhất để xoá bỏ sự mù mờ bí mật tài chính Vatican. Các ngài muốn có các kỳ họp Nội các thường xuyên để các bộ trưởng bàn thảo với nhau nhằm giúp Vatican trở nên hữu ích trong sứ vụ rao giảng Tin mừng của Giáo Hội, chứ không phải là một trở ngại.

Các vị cũng cho biết muốn Vatican giúp đỡ các giám mục thi hành sứ vụ truyền giáo cụ thể, chứ không phải là cách thức chung chung.

Trả lời phỏng vấn sau khi Đức Giáo hoàng Phanxicô được bầu, Đức Hồng y Tổng Giám mục Francis George của Chicago nói: “Không thể vừa nhanh và vừa hiệu quả. Chẳng hạn các trường hợp hôn nhân, người ta không thể chờ đợi ba, bốn, năm, sáu năm để nhận được trả lời” đơn xin huỷ hôn.

Ngoài thông báo hôm thứ bảy vừa qua, Đức Phanxicô đã bổ nhiệm một quan chức quan trọng thứ hai tại Vatican là thành viên hội dòng mang tên Thánh Phanxicô, phụ trách Bộ Giáo sĩ.

Việc bổ nhiệm đang được háo hức mong chờ nhất là vị trí Bộ trưởng Ngoại giao Vatican, phụ trách điều hành công việc hằng ngày của Toà Thánh. Hiện tại, người đang giữ vị trí này là Hồng y Tarcisio Bertone, Luật sư Giáo luật 78 tuổi, được cho là có nhiều thiếu sót trong các vấn đề quản trị tại Vatican.

George Weigel, người viết tiểu sử Giáo hoàng, đã phỏng vấn cựu Hồng y Bergoglio hồi tháng 5 năm ngoái cho cuốn sách mới “Evangelical Catholicism”, nói rằng Đức Phanxicô hiểu rõ các vấn đề của giáo triều, và rằng ngàì “biểu lộ đau buồn, nhưng không bi quan, thấu hiểu những gì sai trái tại bộ máy hành chính trung ương của Giáo Hội, và tại sao”.

Trong bài viết gần đây, Weigel viết: “Tôi nghĩ rằng chúng ta có thể mong đợi Đức tân Giáo hoàng sẽ dẫn dắt Giáo Hội trong sự tinh tuyền và canh tân hàng giáo phẩm, linh mục, tu sĩ và giáo triều. Bởi vì ngài biết rằng các vụ bê bối, tham nhũng và thiếu năng lực là trở ngại” cho sứ mạng truyền bá đức tin.

Đức Hồng y Timothy Dolan của Tổng Giáo phận New York, được xem là người đứng đầu trong nhóm kêu gọi cải cách, cho biết ngài rất hy vọng Đức Phanxicô sẽ dẫn dắt Giáo Hội trở thành một kiểu mẫu quản trị tốt trên nền tảng và phong cách giản dị của ngài.

“Đôi khi trong quá khứ giáo triều trở nên ví dụ điển hình về những gì không nên làm, thay vì phải làm gì”, Đức Hồng y Dolan cho biết trong một cuộc phỏng vấn sau khi Đức Giáo hoàng Phanxicô nhậm chức. “Chúng ta cần nhìn vào Toà Thánh và Giáo triều Roma như là một mô hình quản trị tốt, minh bạch, thẳng thắn, chuyên tâm phục vụ Tin Mừng, không màng danh vọng địa vị, của những người đầy đức hạnh.

Đức Hồng y Dolan cho rằng một trong những điều cần cải cách là giới hạn nhiệm kỳ làm việc của nhân viên tại Vatican nhằm ngăn ngừa tính quan liêu. Ngài cũng cho biết thêm không lý do gì mà không cho giáo dân tham gia trong bộ máy hành chính và cần tinh giản bộ máy.

Đức Tổng Giám mục Claudio Mario Celli, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Truyền thông Xã hội của Vatican, muốn có sự tương tác sâu rộng giữa các phòng ban Vatican khác nhau, bao gồm các buổi họp thường kỳ của các trưởng bộ phận.

Đức Tổng Giám mục Celli nói trong một cuộc phỏng vấn: “Chúng ta cần hoạt động cộng hưởng. Nếu chúng ta muốn có một Giáo Hội phục vụ hiệu quả hơn, chúng ta cần một phương thức cộng hưởng.”

Đức Tổng Giám mục George của Chicago bác bỏ tin đồn rằng một trong những khu vực cải cách mà Đức Phanxicô sẽ làm liên quan đến việc đóng cửa Ngân hàng Vatican, Viện Công trình Tôn giáo, bấy lâu nay là nguồn gốc của các bê bối tại Vatican.

Làm như vậy sẽ là tự sát tài chính cho Vatican, vì lợi nhận hằng năm của ngân hàng khoảng 50 triệu euro (65 triệu USD). Ngân hàng đầu tư tài sản của các chủ tài khoản nên nếu đóng cửa phải hoàn trả lại tiền.

Cha Lombardi cho biết bất kỳ suy đoán nào về việc khả dĩ đóng cửa Ngân hàng Vatican (Istituto per le Opere di Religione -IOR) là “hoàn toàn giả thuyết và không dựa trên bất kỳ sự kiện đáng tin cậy cụ thể nào”.

Nicole Winfield cho Huffington Post, Vatican City

Số lượt truy cập: (4)

Hoạt động đoàn thể
Hạnh các thánh
Truyện kinh thánh
Xây dựng
Thông tin
Giáo xứ
Lời Chúa
Kinh thánh Giuse