SỰ THINH LẶNG NƠI THÁNH GIUSE
§ Đức Giám Mục J.B. Bùi Tuần
Thánh Giuse là người thinh lặng. Tôi nghĩ là ngài cũng đã nói năng như mọi người bình thường. Nhưng, khi soi dẫn các thánh sử viết Phúc Âm, Chúa Thánh Thần đã chủ ý không muốn ai ghi lại lời nói nào của thánh Giuse.
Sự kiện đó phải được coi là một lựa chọn tốt, đề cao sự thinh lặng của thánh Giuse như một vẻ đẹp. Hơn nữa đó cũng là một bài học đạo đức cho các thế hệ sau này.
Như vậy, thánh Giuse là một trường học dạy thinh lặng. Nói đúng ra, thầy dạy ở trường này là Chúa Thánh Linh. Vì thế, mọi tài liệu bàn về sự thinh lặng của thánh Giuse, nhất là bài này, chỉ nên được coi là những gợi ý yếu ớt. Đọc thì cứ đọc, nhưng việc quan trọng cần làm để hiểu và để học, chính là cầu nguyện với Chúa Thánh Linh. Riêng trong bài này, tôi chỉ xin chia sẻ vài suy nghĩ riêng tư. Có nghĩa là những suy nghĩ này đã ảnh hưởng đến đời tôi, từ đó tôi có phần nào kinh nghiệm.
Điểm phát xuất những suy nghĩ sau đây của tôi là hình ảnh con trẻ Giêsu tại Nagiarét sống bên Đức Mẹ và thánh Giuse thinh lặng: “Con trẻ dần dần đã lớn lên đầy khôn ngoan và ân sủng, đẹp lòng Chúa và được người ta thương mến” (Lc 2,52). Theo cái nhìn đó, thánh gia là một cộng đoàn Hội Thánh cực nhỏ. Chúa Giêsu, tuy là con, nhưng là vai chính trong kế hoạch cứu độ, đổi mới con người. Đức Mẹ và thánh Giuse là những người cộng tác gần gũi nhất. Đây là những cộng tác viên đắc lực đưa lại kết quả cao. Bởi vì đã góp phần làm cho trẻ Giêsu được nổi tiếng là phát triển về khôn ngoan và ân sủng, đẹp lòng Chúa và được người ta mến thương.
Vậy, cộng tác đắc lực của thánh Giuse là gì? Thưa chính là sự cộng tác thinh lặng. Tất nhiên đây là sự thinh lặng tích cực. Thinh lặng tích cực đó được thể hiện như thế nào? Trước hết tôi nghĩ ngay tới sự thinh lặng tu thân.
Thinh lặng tu thân.
Phong tục Á Châu rất coi trọng việc tu thân. Những người muốn cải cách tôn giáo, chủ trương cứu độ, đổi mới con người và xã hội, thường phải xây dựng uy tín cho mình trước hết bằng việc tu thân. Thời này vẫn là thế. Thời xưa còn hơn bây giờ.
Thánh gia là một cộng đoàn đề cao tu thân. Một cách tu thân bình dân, phổ thông, nhưng chất lượng cao. Trong cái nhìn ấy, thánh Giuse là một người tu tại gia. Nội dung tu thân của thánh gia nói chung và của thánh Giuse nói riêng là thực hiện trước những gì mà Chúa Giêsu sẽ rao giảng sau này. Có thể tóm gọn lại là tu thân nhắm mục đích trở nên một tạo vật mới, dần dần nên giống Chúa là tình yêu và kết hợp với Ngài là tình yêu . Muốn được thế, thì phải thực thi thánh ý Chúa, hết tình yêu mến Ngài, và chân thành yêu thương mọi người.
Như vậy, tu thân là hằng ngày vun tưới chăm sóc những hạt giống tình yêu Chúa đã gieo sẵn trong lòng mình. Tu thân là hằng ngày học hành tập luyện, để biết tự do chọn điều lành và tự do bỏ điều xấu. Lựa chọn tốt nhất và quan trọng nhất là chu toàn bổn phận phục vụ của mình.
Phục vụ tốt là đáp ứng đúng nhu cầu, bằng đúng việc, với đúng cách, vào đúng lúc. Tất cả trong tình mến Chúa yêu người với mức độ cao nhất.
Nhìn thoáng qua tu thân là như thế, chúng ta có thể tưởng tu thân là việc đơn sơ. Đúng là đơn sơ, nhưng chính là một cuộc phấn đấu thinh lặng cam go và thường xuyên với chính mình. Bởi vì có một vấn đề gai góc đứng đằng sau việc tu thân, đó là một sự thực phũ phàng mà thánh Phaolô đã thực thà thú nhận: “Vẫn biết rằng Lề luật là Thần Khí, nhưng tôi thì lại mang tính xác thịt, bị bán làm tôi cho tội lỗi. Thực vậy, tôi làm gì tôi cũng chẳng hiểu: Vì điều tôi muốn thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét, thì tôi lại cứ làm … Tôi biết là sự thiện không có ở trong tôi, nghĩa là trong xác thịt tôi … Theo con người nội tâm, tôi vui thích luật của Chúa, nhưng trong các chi thể của tôi, tôi lại thấy một luật khác. Luật này chiến đấu chống lại luật của lý trí và giam tôi trong luật của tội là luật vẫn nằm sẵn trong các chi thể của tôi” (Rm 7,14-23).
Như thế, tu thân đòi phải học hành, tập luyện để biết phân định điều lành điều dữ. Biết rõ rồi, lại phải biết can đảm chọn lựa điều lành một cách tự do. Chọn rồi, lại phải kiên cường thực hành điều mình đã tự do chọn lựa. Để được thế, phải phấn đấu nhiều lắm, phải từ bỏ mình nhiều lắm, phải cầu nguyện nhiều lắm.
Tôi dám chắc là thánh gia nói chung và thánh Giuse nói riêng đã thực hiện việc tu thân một cách trọn vẹn từng ngày, từng tháng, từng năm. Suốt 30 năm tu thân trong thinh lặng, đúng là một hành trình phát triển ơn khôn ngoan và ân sủng, đẹp lòng Thiên Chúa và được người ta thương mến.
Suy nghĩ trên đây cho phép tôi rút ra một kinh nghiệm về mục vụ và truyền giáo. Đó là người có chức vụ cộng tác với Chúa vào kế hoạch cứu độ, đổi mới con người và xã hội, sẽ phải quan tâm rất nhiều đến việc tu thân nơi chính mình. Tu thân một cách thinh lặng là một yếu tố quan trọng có sức cứu độ. Rất mong kinh nghiệm này của thánh Giuse được sống lại mạnh mẽ nơi mỗi người tín hữu, nhất là nơi các tông đồ thời nay, bắt kỳ là giáo sĩ, tu sĩ hay giáo dân.
Thinh lặng gặp gỡ Chúa trong cầu nguyện.
Kinh nghiệm cho thấy: Sự khôn ngoan và ân sủng của Chúa được ban dồi dào cho những người thực sự tu thân. Và kinh nghiệm còn cho thấy: Sự khôn ngoan và ân sủng của Chúa còn được trao ban rất dồi dào cho những người gặp gỡ Chúa trong cầu nguyện.
Một nơi thuận lợi để Chúa gặp gỡ con người, chính là nơi thinh lặng: “Ta sẽ dẫn nó vào sa mạc và sẽ nói với lòng nó” (Ose 2,14). Sa mạc là biểu tượng nơi yên tĩnh. Nơi yên tĩnh là không gian yên lặng, và nhất là tâm hồn thinh lặng.
Ai cầu nguyện, suy gẫm và chiêm niệm trong thinh lặng sẽ dễ gặp được Chúa. Và khi Chúa đã đến với lòng họ, Chúa lại làm cho lòng họ càng thinh lặng hơn. Để rồi lúc đó sự thinh lặng trở nên đầy sự hiện diện của Thiên Chúa.
Trong gặp gỡ thinh lặng này, con người không còn tìm hiểu Chúa nữa, mà là có chính Chúa. Họ cảm nghiệm được Chúa là tình yêu, là hạnh phúc của mình. Lúc đó con người sẽ thấy mọi sự đều rất đơn giản. Bất cứ việc gì tốt mình làm mặc dù bề ngoài coi là rất bé nhỏ, rất âm thầm, nhưng nếu làm với một tình mến lớn lao, chỉ vì Chúa, thì sẽ là việc rất giá trị có sức cứu độ, đổi mới bản thân, đổi mới con người và xã hội.
Trong cuộc gặp gỡ ấy, con người cũng sẽ thấy rõ mình hơn. Mình chẳng là gì, chẳng thể làm gì có sức cứu độ, nếu không có sự hỗ trợ của Chúa. Do đó mà phải chết đi cho chính mình, để quyền năng Chúa ngự trị hoàn toàn trong con người của mình, từ lớp ý thức cho đến lớp tiềm thức và vô thức sâu thẳm, từ trí khôn cho đến ý chí và tình cảm, ký ức, trí vẽ và mọi tiềm năng sáng tạo.
Người học hành cần thinh lặng. Người nghiên cứu, suy nghĩ cần thinh lặng. Người sáng tạo cần thinh lặng. Người tìm minh triết cần thinh lặng. Người hồi tâm cần thinh lặng. Phương chi người muốn gặp gỡ, lắng nghe Chúa càng cần phải thinh lặng. Bởi vì Chúa muốn được phượng thờ trong tinh thần và trong chân lý, chứ không hài lòng với những hình thức ồn ào. Và bởi vì Chúa chỉ nói nhỏ nhẹ với những tâm hồn thinh lặng. Và bởi vì ơn đổi mới con người cũng chỉ được thực hiện nơi những người khiêm tốn, thinh lặng.
Thánh Giuse, cần cù, nhiệt thành, tâm hồn khát khao tuân phục thánh ý Chúa, không bị ràng buộc bởi bất cứ kiêu căng ích kỷ nào. Đó là một thinh lặng thuận lợi cho việc cầu nguyện, sống thân mật với Chúa, lắng nghe được ý Chúa.
Thời gian thinh lặng cầu nguyện nơi thánh Giuse là suốt đời mình. Dài mấy chục năm. Đó là một cộng tác quí báu vào công trình cứu độ của Chúa. Đây là một gương sáng rất quan trọng, mà mọi người đang cộng tác với Chúa tại Việt Nam hôm nay cần suy nghĩ và bắt chước.
Bởi vì tôi thấy hiện nay sự thinh lặng cầu nguyện đang có chiều hướng giảm dần, nhường chỗ cho những hình thức thờ phượng và hoạt động tôn giáo nhiều khi quá ồn ào, trình diễn, chiếu lệ, phô trương, cạnh tranh, lố lăng.
Thinh lặng cảm thương thân phận con người đau khổ.
Bất cứ ở đâu và ở thời nào, lịch sử những người làm cách mạng chân chính đều làm chứng họ là những trái tim rực cháy lửa cảm thương số phận dân mình. Họ sống không những vì dân, cho dân, nhưng nhất là gần dân, giữa dân và như dân. Dân nói đây là lớp dân khổ đau. Họ đồng cảm nỗi lo nỗi khổ của lớp người đau khổ lo âu. Họ cùng trải qua những hoàn cảnh khó khăn bế tắc như lớp người nghèo khổ nhất.
Trong 3 năm đi rao giảng, Chúa Giêsu tỏ ra Ngài đã có những cảm thương đặc biệt sâu sắc đối với mọi thứ người đau khổ. Riêng đối với những người tội lỗi, Chúa Giêsu đã không ngại yêu thương, gần gũi, tìm đến, với tất cả tấm lòng cảm thương lạ lùng chưa từng thấy “Thầy không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn” (Lc 5,32).
Tôi nghĩ là trước đó thánh Giuse cũng đã âm thầm cộng tác với Chúa Giêsu trong lãnh việc cảm thương. Suốt mấy chục năm tại Nagiarét, thánh gia nói chung và thánh Giuse nói riêng đã được dân nghèo coi như những người thân thương của họ. Và nhất là những người tội lỗi đã coi các Ngài như những người hiểu họ, thương họ, cảm hoá được họ, và lôi kéo được họ về đàng lành.
Những cảm thương của thánh Giuse dành cho những người tội lỗi là rất sâu sắc. Bởi vì ngài được Đấng cứu độ chia sẻ cho sự thực về những nỗi kinh hoàng mà những kẻ tội lỗi sẽ phải gánh chịu. Nói cho đúng ra, thì không phải Chúa sẽ phạt họ, nhưng chính những việc xấu của họ sẽ kết án họ. Án rất nặng nề, rất đáng sợ.
Vì cảm thương số phận người tội lỗi, thánh Giuse coi việc cứu con người khỏi xiềng xích tội lỗi là ưu tiên hàng đầu. Xiềng xích do tính xấu xác thịt, xiềng xích do thói xấu thế gian, xiềng xích do ác quỉ Satan, tất cả làm nên một hệ thống mãnh lực ghê gớm nô lệ hoá con người tội lỗi.
Giải cứu họ là cả môỉt thách đố lớn. Khuyên bảo dạy dỗ chỉ là một phương cách thô sơ nhất. Trừng trị, đe doạ cũng vẫn chỉ là một cách may ra sinh kết quả tạm thời. Sau cùng Chúa Giêsu đã hết sức cầu nguyện và tự hiến mình chịu chết để đền tội thay cho tội nhân.
Nhưng tội nhân sẽ chỉ được cứu, nếu họ biết đón nhận ơn tha thứ và cộng tác vào việc cứu độ của họ. Thực tế cho thấy rất nhiều người đã không biết đón nhân ơn cứu độ, đã không cộng tác vào ơn cứu độ. Đây là một thảm hoạ kinh hoàng, mà thánh Giuse đã thinh lặng cảm nhận. Do đó ngài đã âm thầm hiến dâng đời mình để cam lòng chịu mọi hy sinh cùng với Chúa Giêsu dấn thân vào con đường cứu độ. Giai đoạn sau cùng của Chúa Giêsu là sự thinh lặng chịu chết trên thánh giá. Thánh giá là khí cụ cứu độ. Tôi nghĩ là thánh Giuse cũng đã phần nào chia sẻ tất cả những chặng đường cứu độ của Chúa Giêsu. Chia sẻ một cách thinh lặng, nhưng đã gây được kết quả tốt cho nhân loại. Sám hối, sửa mình, đổi mới cách sống, trở về đàng lành, đó là những việc rất cần có ơn thánh giá mới thực hiện được.
Thinh lặng bảo vệ kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa.
Để cứu độ nhân loại, Thiên Chúa có kế hoạch riêng của Ngài. Trong kế hoạch đó, Thiên Chúa chọn một số người. Mỗi người được trao nhiệm vụ nhất định, để thi hành tại những nơi nhất định và trong thời điểm nhất định.
Thánh Giuse được trao trách nhiệm bảo vệ Chúa Giêsu và Đức Mẹ. Chắc là ngài cũng biết nhiều chuyện về Chúa Giêsu và Đức Mẹ. Nhưng ngài thinh lặng. Ngài là người bảo mật tối đa. Ngài là người thận trọng tuyệt đối với trật tự mầu nhiệm mà Thiên Chúa đã phần nào soi sáng cho ngài. Đó là phải tuân phục thánh ý Cha trên trời, như con trẻ Giêsu đã mạc khải: “Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà Cha của con sao?” (Lc 2,49).
Với sự thinh lặng và thận trọng đó, thánh Giuse lùi vào bóng tối. Chính nhờ vậy mà tất cả Tin Mừng đều tập trung vào Chúa Giêsu. Tập trung vào Chúa Giêsu, đó là điểm căn bản của kế hoạch cứu độ. Điểm căn bản này đã được thánh Giuse thực hiện một cách triệt để, khi ngài khiêm tốn ẩn mình vào thinh lặng hoàn toàn.
Phải chăng đây cũng là gương để chúng ta chỉnh đốn lại cách sống đạo. Khi mà nhiều nơi mục vụ xem ra càng ngày càng bớt tập trung vào Đức Kitô, để đến nỗi trên thực tế, nơi nhiều người và nhiều cộng đoàn, Chúa Giêsu thực sự trở nên mờ nhạt, cô đơn, giữa những sùng kính phụ thuộc càng ngày càng đua nhau phát triển tưng bừng.
Thiết tưởng một sự kiện như thế giữa một tình hình Hội Thánh đang có nhiều vấn đề phức tạp không là dấu chỉ của một lòng đạo phát triển sự khôn ngoan và ân sủng.
Khi tĩnh tâm tại các tu viện chiêm niệm, tôi cảm thấy thấm thiá một nhu cầu khẩn cấp hiện nay của tu đức, mục vụ và truyền giáo. Nhu cầu khẩn cấp đó là sự thinh lặng mà tích cực tôi vừa trình bày ở trên. Thinh lặng tu thân, thinh lặng gặp gỡ Chúa trong cầu nguyện, thinh lặng cảm thương số phận những người khổ đau tội lỗi, thinh lặng bảo vệ kế hoạch cứu độ của Chúa. Những đấng hiện nay đang gây được ảnh hưởng rộng lớn trong việc đổi mới con người, xã hội và Hội Thánh, như thánh nữ Têrêsa thành Lisieux, Mẹ Têrêsa Calcutta, Anh Charles de Foucauld, đều là những người đã thinh lặng nhưng tích cực trong bốn lãnh vực nói trên. Thiết tưởng các vị đó đã đi con đường thinh lặng của thánh Giuse. Thời nay, nhất là tại Việt Nam này, người ta quá nhàm chán với những thứ người ồn ào la lối về cái rác nơi mắt người khác, còn cái xà nơi mắt mình thì lại không thấy (Lc 6,41-42).
Con đường thinh lặng mà tích cực đang mở rộng. Chúa tha thiết mời gọi chúng ta đi vào. Nguyện xin thánh Giuse giúp đỡ chúng ta biết mộ mến con đường đó. Hy vọng bằng con đường đó, chúng ta chứng minh được chúng ta là những người thực sự có sự khôn ngoan và ân sủng của Chúa, đẹp lòng Chúa và đáng được người ta mến thương, tin cậy.
Lạy Thánh Cả Giuse là Quan Thầy Hội Thánh Việt Nam, xin thương cầu bầu cho chúng con.
Số lượt truy cập: (7)