Get Adobe Flash player
NHẬT KÝ XÂY DỰNG THÁNH ĐƯỜNG
FACEBOOK Của Chúng Tôi
CẬP NHẬT HÌNH ẢNH XÂY DỰNG THÁNH ĐƯỜNG
THÔNG BÁO CẦN THIẾT

CON NGƯỜI VÀ ĐỜI SỐNG CẦU NGUYỆN

(sưu tầm)

Cầu nguyện là mở tâm hồn, mở trái tim và đôi bàn tay trước mặt Thiên Chúa……..

(Pierre Van Brieman)

imagesCAM8ICU6

1. Tôn giáo và cầu nguyện

Chúng ta vẫn nghe nói việc cầu nguyện trong đời sống con người cần thiết như hơi thở. Thật vậy, con người có thể tạm nhịn ăn, nhịn uống, nhưng không thể nhịn thở được. Cũng vậy, một tôn giáo muốn cho tín đồ của mình giữ vững niềm tin hoặc để niềm tin nẩy nở, thì không thể không củng cố đời sống cầu nguyện. Cầu nguyện là vấn đề sinh tử, sống còn của một tôn giáo.

Tôn giáo và việc cầu nguyện luôn đi đôi với nhau, không thể tách rời ra được. Dù ở thời đại nào. Thượng cổ. Bán khai, ăn lông ở lỗ hay trong thời đại kỹ thuật văn minh hiện nay, trong đáy sâu của lòng con người vẫn có một nỗi khát vọng thầm kín là muốn tìm kiếm một Đấng Thần Llinh để phù trợ và để yêu thương mình. Những người sống trong rừng thiên nước độc, hay tại góc biển chận trời nào, dù không có ai dạy bảo, vẫn tin và vẫn tôn kính vái lạy tẩm nhẩm những lời cầu khấn ông trời hoặc thần sông, thần núi , thần biển, thần gió…

Nếu lần giở lại các trang lịch sử cổ xưa của nhân loại, người ta sẽ thấy rằng có con người là có tôn giáo, và tôn giáo được thể hiện trong các nghi thức tế tự, cầu nguyện. Người ta có thể nói được rằng nền văn minh cơ bản nhất của con người gắn liền với tôn giáo và tôn giáo thì gắn liền với cầu nguyện. Đã có thời người ta tưởng rằng văn minh khoa học kỹ thuật sẽ thay thế tôn giáo và triết lý. Ngày nay thì những người quá ngây thơ, đầu óc quá thiên lệch về một thứ thực dụng, duy lý nào đó thì mới tin như vậy. Bởi vì khoa học không mang lại ý nghĩa căn bản cho cuộc sống, khoa học phải nhờ đến triết lý, và triếtlý dến cùng phải đi đến tôn giáo, và tôn giáo đến cùng là một thứ tương giao với Thượng đế bằng phượng tự, hay nói chung là bằng cầu nguyện.

Triết gia Peter Wust, sau nhiều năm miệt mài với triết lý trước khi rời đại học, đã viết cho sinh viên một bức thư

“Nếu lúc nào tôi sắp sửa chia tay với các bạn, nếu vaò lúc sắp sửa chia tay vĩnh viễn này, có bạn nào hỏ tôi có chìa khoá thần nào giúp ra mở được cán cửa cuối cùng dẫn vào sự minh triết của sự sống, thì tôi xin trả lời rằng chìa khoá thần ấy không phải là sự suy tư, như có lẽ có bạn đang chờ một triết gia như tôi trả lời, mà là cầu nguyện. Cầu nguyện là bước cuối cùng đem lại sự ên tĩnh cho ta, cho ta một tâm hồn trẻ nhỏ, làm ta trở nên khách quan”

Ngày xưa người ta cảm thấy cuộc sống của con người bị đe doạ do những thế lục thên nhiên: mưa nắng, gió bão, lụt lội, bệnh tật… và người ta chạy đến với các tôn giáo thiên nhiên: thờ cây đa, ngọn núi, con sông… Các thế lực đó, ngày nay, con người đã hiểu rõ hơn, đã chế ngự được nhiều hơn, dù chẳng bao giờ chế ngự hoàn toàn được. Nhưng ngày nay thì con người lại bị đe doạ nhiều hơn bởi chính con người, bởi những trò án tâm của con người.

“Lòng người nham hiểm ai đo cho cùng”

Và người ta phải chạy đến tôn giáo như nền tảng căn bản nhất của luân lý. Tuy nhiên điều đe doạ lớn nhất chính là sự đe doạ do “cái phi lý” căn bản của đời sống con người, của vận mệnh con người. Con người phải đối đầu với những thắc mắc căn bản: tôi sống để làm gì? Bao nhiêu công lao gom góp, xây dựng của tôi cuối cùng sẽ là gì? Thực sự cái chết sẽ là một sự phi lý, một thách đố muôn đời mà con người không thể vượt qua được nếu không có tôn giáo, và nếu không được đảm nhận một cách đúng đắn nhờ cầu nguyện. Thực sự cầu nguyện là trọng tâm, là linh hồn của moị tôn giáo, cầu nguyện là trung tâm của lòng đạo, Auguste Subtier nói: “Không có cầu nguyện trong lòng thì không phải là tôn giáo”. Và văn hào Novalis nói: “Vai trò của cầu nguyện trong tôn giáo cũng giống như vai trò của suy tư trong triết học”

2. Cầu nguyện, vấn đề của con người

Tờ báo La Vie (số 144 tháng 10-1986) thử làm một thống kê và đi đến kết quả của cuộc thăm dò trong số 100 người như sau:

– 11 người cầu nguyện mỗi ngày

– 17 người cầu nguyện thường xuyên

– 29 người rất ít cầu nguyện

– 42 người không bao giờ cầu nguyện

Như vậy, phải chăng việc cầu nguyện là một vấn đề ngoại lệ? Hay ít ra đó là một vấn đề chỉ hoàn toàn do việc luyện tập chứ để tự nhiên thì người ta không cầu nguyện?

Thật ra thì con số thống kê đó phản ánh tinh thần cảu một thời đại, một thời đại ngắn ngủi trong cả quảng lịch sử dài của nhân loại và người ta không thể tổng quát hoá những con số này để tìm ra những gì thuộc về bản chất của con người.

Tuy nhiên, dù sao, chúng ta cũng phải trung thành với thời đại của mình, và tuy cuộc điều tra ở Tây phương, nhưng chúng ta cũng nhận ra rằng, ở trong Giáo hội Công giáo Việt Nam, tuy vẫn được tiếng là “đạo đức”. “Đạo đức” vì Giáo hội bảo phải tin thì tin, bảo phải giữ thì giữ, còn thực sự số người quan tâm đến vấn đề cầu nguyện không phải là khá gì hơn.

Quả thực, với đà tiến bộ của khoa học, một thứ khoa học vô hồn, cùng với trào lưu tục hoá, đã chi phối tinh thần của con người ngày hôm nay trên nhiều vấn đề trong đó có cầu nguyện.

Nói chung, con người thời nay đang bị dìm vào trong một nền văn minh không có siêu việt, cuộc sống hằng ngày của con người được bao bọc và ngập chìm trong công việc, trong tivi, trong phim ảnh, phát thanh, báo chí, và người ta phải tranh thủ để có giờ làm việc, phải tranh thủ tối đa để đón nhận được những nguồn thông tin từ khắp nơi, những nguồn thông tin cần thiết cho việc kiếm miếng ăn của con người. Trong một bầu khí như thế, tất cả nỗ lực của con người xem ra chỉ để dành lấy một cuộc sống vật chất khá hơn. Không ít, hay đúng hơn, đại đa số thanh niên bây giờ nghi rằng đời mình chỉ thành tựu được nếu cũng kiếm được một chiếc xe cup, những máy móc, nhà cửa, xây dựng một gia đình tiện nghi sung túc…Và cuộc đời kể như không thành công nếu như không kiếm được những thứ đó. Khi người ta sống trong một thế giới vắng bóng Chúa thì một quan tâm hàng đầu không phải là tìm ra đâu là ý nghĩa đích thực của đời sống mình, và đâu là những nhu cầu thiết yếu của con người mình, mà là chạy theo những gì mà người khác vạch ra sẵn cho mình. Hình như con người ngày nay tìm cách thực hiện một chương trình của người khác, của xã hội đã vạch sẵn cho mình, cho dù nhiều khi tưởng đó là chương trình của chính mình. Nó không phải là “chương trình sống” của mình thực sự, không đáp ứng những nhu cầu thẩm sâu của con “người mình, không khám phá ra sự mới mẻ của niềm tin mỗi ngày.

Con người bỏ quên cầu nguyện bởi vỉ chương trình để trở thành một con người thành công, theo não trạng ngày nay không có chỗ cho việc cầu nguyện, không có những vấn đề cần đến cầu nguyện để giải quyết, nên khi nói đến cầu nguyện họ ngạc nhiên như người trên tơrì rơi xuống.

Tuy nhiên nếu chúng ta được “đọc ngược” lại bản điều tra đó, thí chúng ta sẽ thấy một điều tích cực. Nếu như trong một xã hội tục hoá như vậy, bình thường trước những vấn đề nan giải của cuộc sống, đã có biết bao nhiêu phương pháp của con người để giải quyết, từ những chuyên gia tâm lý, cho đến những khoa học những ngành nghề trong xã hội: cần tiền ư ? người ta tìm việc làm, cần tình yêu ư? Người ta đi tìm người tình khác phái: cần cũng cố đời sống gia đình tốt đẹp ư ? đã có biết bao sách vở hướng dẫn: có những khó khăn tâm lý ư? đã có những chuyên gia tâm lý, trong một xã hội như thế mà vẫn có vài chụ phần trăm cầu nguyện thì có thể chứng tỏ cho ta thấy rằng cầu nguyện vẫn là một nhu cầu của cuộc sống, vẫn là vấn đề của con người ngày nay, hay đúng hơn, là vấn đề của con người mọi nơi, mọi thời đại.

3. Thế nào là cầu nguyện

Nói một cách tổng quát, cầu nguyện là con người giao tiếp với thần linh. Điều đó giả htiết phải có đầy đủ các yếu tố: con người, sự giao tiếp, và Thần linh.

a – Thực sự việc cầu nguyện giả thiết con người phải trở về với chính mình, nhận ra con người thật cảu mình, không che đậy, tránh né. Cầu nguyện không phải là bay vào một thế giới viễn mông, huyền ảo, nhưng là tâm trạng của một con người thật, con người cụ thể,với tất cả cuộc sống, hoàn cảnh tâm tư khó khăn hy vọng cuả mình, với cả quá khứ, hiện tại cũng như tương lai của con người. Không lạ gì khi đau khổ người ta dễ cầu nguyện, và lúc đó người ta dễ nhận ra con người bất toàn, con người giới hạn con người bất lực của mình. Đáng tiếc là khi cuộc sống êm ả người ta khó nhận ra điều đó, và nhất là khi có một sự thành công nào đó thì lại càng khó hơn nữa.

Mặt khác, con người cũng cảm thấy những sự vật trần gian, của cải vật chất hay danh vọng, tiếng tăm, không thể bù đắp được nỗi khát vọng khôn nguôi ở đáy sâu tâm hồn. Người ta cứ chạy đuổi mãi để tìm thoả mãn bằng những sự vật trần gian, hết thứ này đến thứ khác và chẳng bao giờ thấy thoả mãn cả. Đến một lúc nào đó, nếu bình tâm suy xét, con người sẽ thấy được nỗi khao khát tuyệt đối của lòng mình mà không sự vật trần gian nào có thể đáp ứng lấp đầy được. Đó không phải là một ảo tưởng của những người dân bản khai mà thôi, nhưng là thực trạng của thân phận con người, thuộc mọi thời đại, ở mọi nơi. Trong thẩm sâu của con người có một khoảng trống không, không điều gì có thể lấp đầy được. Khoảng trống đó thôi thúc con người tìm kiếm và mở lòng con người để đón nhận. Nhu cầu cầu nguyện là nhu cầu sẵn có, nằm sâu trong con người, nó chỉ bị che lấp, bị quên lãng, nhưng không thể mất đi.

b – Cầu nguyện cùng giả thiết con người phải tin. Con người tin Thượng đế. Đó là mối tương giao đầu tiên với Thượng đế. Nhưng chỉ tin (theo nghĩa bình thường mà thôi thì chưa thể đưa tới cầu nguyện). Có nhiều người vẫn nói là mình tin nhưng mới chỉ tin có Thượng đế và Thượng đế ở tận cõi “cao xanh” của Ngài, Ngài không đếm xỉa gì tới con người. Niềm tin đó có thể mới chỉ là kết quả của một thứ suy tư triết lý, suy ra Thượng đế từ những nhận xét về thiên nhiên về con người.

Cầu nguyện là một tương giao sống động trọn vẹn hơn sự hiểu biết. Tin suông thì kể như chưa đi đến đâu nên niềm tin đó phải tiến tới như một thứ tương giao sống động cụ thể hơn là cậy dựa vào Thượng đế. Chúng ta thấy nhiều tôn giáo gắn liền sự cầu nguyện trên yếu tố “cậy dựa” này. Con người cần đến Thượng đế mình, và thế là con người chạy đến với Ngài để dâng lễ vật khấn vái van lơn, xin xỏ điều này điều kia…

Nhưng cao điểm của mối tương giao đó là sự yêu mến. Đứng trước thế giới siêu việt, con người cảm thấy một sự cuốn hút, một sự hấp dẫn, một sự say mê nữa. Thế giới thần linh xuất hiện như một thế giới kỳ ảo êm dịu, thanh thoát, niềm vui, bình an hấp dẫn con người, nhất là trong đó, con người gặp được một “AI KHÁC” và muốn hoà nhập với Ngài. Đây là một thứ hấp lực cuả lòng yêu mến. Trong nhiều tôn giáo, chúng ta thấy có những người không dừng lại ở sự xin xỏ cho mình, nhưng còn muốn thâm nhập vào thế giới thần linh, muốn hoà nhập con người với Thượng đế, Thánh Phaolô nói: “Tôi sống nhưng không phải tôi sống mà là chính Chúa sống trong tôi” Thánh Augustino diễn tả nó một cách dễ hiểu như sau: “Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con vì Chúa, nên linh hồn con xao xuyến mãi cho tới khi nào nghỉ yên trong Chúa”

Chỉ ở mức độ tình yêu thì mối liên hệ giữa con người và Thượng để mới trở nên thân thiết, sâu xa và mới thực sự làm thoả mãn nỗi khát mong trong đáy lòng con người, vì thực sự điều căn bản nhất của con người đó là tình yêu.

c – Cuối cùng, cầu nguyện giả thiết vì Thượng đế phải là một vị Thượng đế hướng tới con người. Nếu chỉ dừhg lại ở suy tư lý trí, người ta sẽ chỉ gặp được một vị Thượng đế “khô khan” như một lý trí lạnh lùng hay Ngài ở trên cõi trời của Ngài chẳng cần biết đến ai, hoặc Ngài điều khiển vũ trụ vạn vật như một định luật khoa học, hông hề biết từng cá nhân mà chỉ dòm ngó cách chung chung vậy, hoặc Ngài không hề biết “xúc động” với từng hoàn cảnh riêng biệt của mỗi người cụ thể. Vị Thượng đế đó là một nguyên lý lơn là một ngôi vị. Người ta cũng có thể gặp gỡ một vị Thiên Chúa sống động cụ thể hơn, nhưng lại mang đầy những tâm tính của con người. Người ta nhân cách hoá Thượng đế tưởng như Ngài cũng thực sự phản ứng tuỳ theo một sự hứng khởi nào đó, tuỳ lúc vui, lúc buồn, lúc thích thú, lúc giận dỗi. Hình ảnh một vị Thượng đế như vậy dễ làm cho mối tương giao của con người với Ngài trở nên một tương giao vụ lợi, một sự tính toán nhỏ nhen, hơn thiệt, may mắn hay xui xẻo. Chỉ có một vị Thượng đế của tình yêu, yêu chỉ vì yêu, yêu một cách nhưng không, không tính toán vụ lợi thì mới thực sự làm cho việc cầu nguyện trở thành mối tương giao tuyệt hảo. Thượng đế như vậy sẽ quan tâm, săn sóc con người, can thiệp, trợ giúp con người. Và con người thì hết lòng yêu mến, phó thác vào lòng bàn tay âu yếm của Ngài như em bé tìm thấy sự bình an, ấm áp trong vòng tay mẹ hiền.

“Như trẻ thơ nép mình lòng mẹ

Trong con hồn lặng lẽ an vui” (Tv 130)

Kết

Cầu nguyện không phải là một công việc nào đó thêm vào cho cuộc sống con người. Cầu nguyện là đường lối căn bản để con người sống thật, sống trọn vẹn con người của mình. Thành thực trở về với con người mình, người ta sẽ thấy đâu là những đường lối lừa dối con người và đâu là con đuờng dẫn đến sự sống thật. Con đường đó đã được Kitô giáo hình thành, trình bày trong mối tương giao tin – cậy – mến. Đó không phải là ba thái độ khác nhau, nhưng chỉ là một tượng giao duy nhất, một sự sống duy nhất, một thái độ duy nhất của con người với Thiên Chúa. Đức tin đích thực không thể không có Đức Tin và Đức Mến, Đức Cậy đích thực không thể không có Đức Tin và Đức Mến, Đức Mến đích thực cũng hiểu ngầm phải có Đức Tin và Đức Cậy. Từ những nhận xét có tính cách tự nhiên như trên, hy vọng chúng ta sẽ xác tín hơn tầm quan trọng của việc cầu nguyện trong đời sống Kitô hữu, tha thiết thực hành việc cầu nguyện, và cũng duyệt xét lại sự cầu nguyện của mình cho đúng hơn.

Phạm Quang, OP.

(TSTH số 5)

Cầu nguyện là mở tâm hồn, mở trái tim và đôi bàn tay trước mặt Thiên Chúa. Tôi còn bám víu vào nhiều thứ trong đời sống của tôi và quyết nắm chặt lấy chúng trong tay: của cải vật chất, tinh thần, công việc, địa vị của tôi, bạn bè, nguyên tắc của tôi… Nếu tôi mở tay ra, nnững “của cải” trên vẫn còn đó, có lẽ không một vật nào rơi bớt đi, nhưng ít nhất đôi bàn tay tôi đã mở. Thái độ đó là thái độ của người cầu nguyện.

(Pierre Van Brieman)

Số lượt truy cập: (8)

Hoạt động đoàn thể
Hạnh các thánh
Truyện kinh thánh
Xây dựng
Thông tin
Giáo xứ
Lời Chúa
Kinh thánh Giuse