Bài 47. SỰ CHẾT
TÌM HIỂU SÁCH GIÁO LÝ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO
Phần I: TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN
“Về nhà Cha”. Người Kitô hữu diễn tả cái chết bằng ngôn từ tuyệt đẹp như thế. Bởi lẽ họ ý thức mình chỉ là khách trọ trên trần thế, đang bước đi trong cuộc hành hương không ngơi nghỉ, tiến về Nhà Cha vĩnh cửu. Niềm hi vọng vào sự phục sinh thân xác là câu trả lời của đức tin trước cái chết. Sự chết vừa xấu lại vừa tốt, vừa là kết thúc vừa là khởi điểm.
Chết là một sự ác! “Thiên Chúa không làm nên cái chết và Ngài không vui sướng khi thấy kẻ sống phải chết. Bởi vì Ngài tạo dựng mọi sự để chúng được hiện hữu” (Kng 1,13-14). Xem ra không dễ chấp nhận khẳng định này của Kinh Thánh. Cái chết lại chẳng phải là một phần của tự nhiên, và do đó, chính Thiên Chúa muốn thế hay sao? Nói gì thì nói, cái chết xuất hiện như một sự ác. Ngay cả trước cái chết của con vật nuôi trong nhà, chúng ta còn cảm thấy buồn, huống hồ khi phải đối diện với cái chết của một người thân. Quả thật, “đối diện với cái chết, bí ẩn về thân phận con người lên đến mức cao nhất” (GLHTCG số 1006).
Thế giới này chưa đạt đến mức hoàn hảo. Bao lâu tạo thành còn phát triển, bấy lâu vẫn có cái chết: “Thiên Chúa đã muốn dựng nên một trần gian ‘trong tình trạng lên đường’ hướng đến sự hoàn hảo của nó. Trong kế hoạch của Thiên Chúa, tiến trình này bao gồm sự xuất hiện của những vật này và sự biến mất của những vật khác… có xây đắp và cũng có tàn phá trong thiên nhiên” (số 310). “Trở thành và tạm thời” là những đặc tính nội tại của một thế giới không ngừng thay đổi. Cho đến khi Thiên Chúa “đổi mới mọi sự”, dĩ nhiên bằng một cách thế vượt ngoài tầm hiểu biết của chúng ta, khi đó cái chết không còn là một phần của tự nhiên nữa (số 1044).
“Chính vì quỷ dữ ganh tị mà cái chết đã xâm nhập trần gian. Những ai về phe nó đều phải nếm mùi cái chết” (Kng 2,24). Thánh Phaolô cũng dạy rằng cái chết đã đột nhập trần gian do tội lỗi (Rm 5,12). Theo giáo huấn của Hội Thánh, những khẳng định này của Thánh Kinh có nghĩa là “cái chết về phần xác” là cái gì đó mà “lẽ ra con người đã thoát khỏi nếu đã không phạm tội” (số 1008). Con người phải chết về mặt thể lý, nhưng Thiên Chúa đã tạo dựng con người “cho họ được trường tồn bất diệt” (Kng 2,23). Nếu con người giữ được mối dây thân tình thuở ban đầu với Thiên Chúa, thì sự chết đã không có được quyền lực trên họ. Dù vậy, theo lòng nhân hậu của Ngài, Thiên Chúa vẫn biến đổi cái chết thành sự tốt lành.
Chết là một thiện hảo. Thánh Ambrôsiô đã viết một cuốn sách có tựa đề như thế. Vào cuối thế kỷ thứ tư, trong một thời kỳ đầy đau khổ và đen tối, ngài viết: “Khi cuộc sống là một gánh nặng, sự chết đem đến ơn giải thoát; khi cuộc sống là một khổ hình, sự chết là phương thuốc chữa lành”. Nhưng sự chết chỉ là điều tốt lành cho những ai đã chuẩn bị trong cuộc sống: “Xa lánh tội lỗi thì tốt hơn là trốn tránh sự chết. Nếu hôm nay con không sẵn sàng thì làm sao ngày mai con sẵn sàng được?” (Sách Gương phúc).
ĐHY Christoph Schönborn
Số lượt truy cập: (0)