Get Adobe Flash player
NHẬT KÝ XÂY DỰNG THÁNH ĐƯỜNG
FACEBOOK Của Chúng Tôi
CẬP NHẬT HÌNH ẢNH XÂY DỰNG THÁNH ĐƯỜNG
THÔNG BÁO CẦN THIẾT

Tước hiệu “Phanxicô“ không chỉ là danh xưng, mà còn là kế hoạch sống.

Đúng 19 giờ 06 chiều ngày thứ tư, 13.3.2013, giờ Roma, từ ống khói nhà nguyện Sixtine cuồn cuộn khói trắng bốc lên nghi ngút, báo hiệu tin vui các Đức Hồng Y cử tri đã bầu chọn được Tân Giáo Hoàng và tiếp theo đó các quả chuông lớn nhỏ của đền thờ Thánh Phêrô đã thi nhau hớn hở cất tiếng vang dội như chứng thực cho làn khói trắng tỏa ra trên nóc nhà nguyện Sixtine là chính xác.

Nhưng mãi gần một giờ sau đó, đoàn rước và Đức Tân Giáo Hoàng mới xuất hiện trên ban-công đền thờ Thánh Phêrô để chào và chúc lành cho hàng mấy chục ngàn người đang sung sướng giơ tay reo hò „viva papa, viva papa, viva papa“: vạn tuế Đức Thánh Cha, vạn tuế Đức Thánh Cha, vạn tuế Đức Thánh Cha.

Trước biển người đủ mọi màu sắc đang vẫy tay vui mừng chào đón ngài, Đức Tân Giáo Hoàng chỉ mỉm cười hiền hậu giơ tay vẫy chào lại dân chúng và khiêm tốn nói: „Buona Sera“: Chào anh chị em!

Vị Tân Giáo Hoàng đáng yêu đang được dân chúng tung hô kia không ai khác hơn là ĐHY Jorge Mario Bergoglio, 76 tuổi, một Tu Sĩ Dòng Tên, TGM thủ đô Buenos Aires của Á-căn-đình, Nam Mỹ, từng được mệnh danh là „Đức Hồng Y của những người nghèo.“ Và chính ngài cũng sống nghèo như các giáo dân nghèo của ngài. Là Tổng Giám Mục của giáo phận thủ đô, nhưng ngài không ở trong Tòa Giám Mục sang trọng, nhưng ở trong một căn nhà đơn sơ, tự đi chợ, tự nấu ăn và đi làm bằng xe buýt công cộng, chứ không có xe riêng và tài xế đưa đón.

Bởi vậy, ngài đã chọn tước hiệu Phanxicô I. Đây không hẳn là một tước hiệu hay một danh xưng thuần tuý, nhưng trước hết là một kế hoạch sống và một chương trình hành động của ngài trong tư cách là Đấng Kế Vị Thánh Phêrô, là Giáo Chủ của Giáo Hội Công Giáo.

Từ trên dưới 1.000 năm nay, khi được bầu chọn làm Giáo Hoàng, các Đức Tân Giáo Hoàng thường chọn cho mình một tước hiệu, tức một danh xưng hay một tên gọi mới theo tên của một trong các vị Đại Thánh của Giáo Hội.

Theo lịch sử Giáo Hội thì đã có 23 vị Giáo Hoàng chọn tước hiệu „Gioan“; 16 vị chọn tước hiệu „Grê-gô-ri-ô“; 16 vị chọn tước hiệu Bênêđíctô; 13 vị chọn tước hiệu „Lê-ô“; 12 vị chọn tước hiệu „Pi-ô“, v.v… Ngoại trừ tên „Phêrô“ được coi là „cấm kỵ“, chỉ dành cho thánh tông đồ Phêrô, vị Giáo Hoàng tiên khởi mà thôi, nên suốt trong lịch sử trên hai ngàn năm nay của Giáo Hội chưa hề có một vị Tân Giáo Hoàng nào chọn tước hiệu „Phêrô“.

Cũng gần „cấm kỵ“ tương tự như thế, khi người ta chọn tước hiệu hay danh xưng theo tên một vị thánh nghèo, một vị Thánh Hành Khất, vì đơn giản là từ trước cho tới nay chưa hề có vị Giáo Hoàng nào đã chọn cho mình tước hiệu ấy. Nhưng nay Đức Tân Giáo Hoàng vốn xuất thân từ Á-căn-đình, từ một đất nước thuộc Nam Mỹ nghèo đói, ĐHY Gorge Mario Bergoglio, „Đức Hồng Y của những người nghèo“, đã dám làm điều đó. Từ nay cả thế giới sẽ gọi ngài là ĐGH Phanxicô Đệ Nhất!

Dĩ nhiên, Đức Thánh Cha Phanxicô đã không làm một điều quá ngoại lệ. Bình thường, khi một Tân Giáo Hoàng chọn cho mình một tước hiệu hay một danh xưng thì đồng thời cũng muốn nói cho thế giới biết tinh thần và hướng đi của ngài trong tư cách là vị thuyền trưởng của con thuyền Giáo Hội Công Giáo. Chúng ta có thể đưa ra vài ví dụ: Tước hiệu „Piô“ được chọn khi Đức Tân Giáo Hoàng muốn chống lại trào lưu tân thời chạy theo thời đại và muốn bảo vệ các truyền thống của Giáo Hội, như trường hợp Đức Piô X, Đức Piô XII. Còn tước hiệu „Phaolô“ được chọn khi Đức Tân Giáo Hoàng có khuynh hướng xã hội và canh tân. Trong trường hợp này người ta có thể nêu tên Đức Phaolô VI, một vị Giáo Hoàng đã có nhiều canh tân nhất trong lịch sử Giáo Hội.

Và ngày nay, Đức Giáo Hoàng Bergoglio với tước hiệu mới „Phanxicô I“ sẽ có những bước đi vượt xa hơn nữa, để cùng với ngài Giáo Hội có thể đến gần hơn với đại chúng, tầng lớp nghèo, để chia sẻ với họ thân phận nghiệt ngã bần cùng của họ, như ngài từng làm khi còn là Tổng Giám Mục Buenos Aires ở Á-căn-đình.

Khi chọn tước hiệu Phanxicô I, Đức Tân Giáo Hoàng đã rõ ràng muốn cho thế giới biết là chẳng những ngài „luôn sẵn sàng canh tân“, nhưng còn muốn nói nhiều hơn nữa: „Tôi sẽ làm mới lại mọi sự theo tinh thần thánh Phanxicô Assisi!“ Nhưng không với tư cách là một người làm đầu chỉ biết chỉ tay năm ngón, mà là một người phục vụ khiêm tốn, như lời cha Federico Lombardi, phát ngôn viên Tòa Thánh, cũng là Tu Sĩ Dòng Tên (SJ), đã nói: „Trong Giáo Hội, các Tu Sĩ Dòng Tên luôn coi mình là những người phục vụ, chứ không phài là những người nắm giữ quyền hành.“

Thánh Phanxicô Assisi (1181-1226) là con của một gia đình buôn vải vóc giàu có, nhưng ngài đã không những từ bỏ sự giàu có vật chất của gia đình, nhưng ngài còn phê bình và chống lại cách thức thực hành giáo lý và sống đạo trong Giáo Hội lúc bấy giờ – của đại đa số các Giáo Sĩ cũng như của các giáo dân – bằng một cuộc cách mạng tinh thần toàn diện, đó là hoàn toàn dấn thân sống cuộc đời nghèo khó tuyệt căn và khất thực.

Qua cuộc sống nghèo khó tuyệt căn như thế, thánh Phanxicô đã đương nhiên trở thành vị trạng sư khả tín của tầng lớp nghèo và là vị tông đồ rao truyền một cuộc sống đơn sơ giản dị qua mọi thời đại, đồng thời ngài cũng đã trở thành người bạn của mọi loài chim chóc muông thú và của cả thiên nhiên. Quả thực thánh Phanxicô là một vị đại thánh của mọi thời đại, nhất là thời đại tân tiến và xa lìa thiên nhiên ngày nay.

Lời Kinh nổi danh nhất của thánh Phanxicô Assisi mà hầu như tất cả mọi tín hữu đều thuộc lòng luôn đáng cho chúng ta tâm niệm:

„Lạy Chúa, xin làm cho con trở thành khí cụ bình an của Chúa:

Để con đem yêu thương vào nơi oán thù, đem tha thứ vào nơi lăng nhục,

đem an bình vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm.“

Chúng ta cùng cầu nguyện cho Đức Thánh Cha Phanxicô, vị Cha Chung khả kính khả ái của Giáo Hội, để Chúa Thánh Thần cùng đồng hành và trợ giúp ngài thành công trong đường hướng đúng đắn và cần thiết mà ngài đã chọn, hầu mang lại lợi ích cho Giáo Hội. Amen

Số lượt truy cập: (58)

Hoạt động đoàn thể
Hạnh các thánh
Truyện kinh thánh
Xây dựng
Thông tin
Giáo xứ
Lời Chúa
Kinh thánh Giuse