Get Adobe Flash player
NHẬT KÝ XÂY DỰNG THÁNH ĐƯỜNG
FACEBOOK Của Chúng Tôi
CẬP NHẬT HÌNH ẢNH XÂY DỰNG THÁNH ĐƯỜNG
THÔNG BÁO CẦN THIẾT

Lm. linh hướng Xđ Bà Điểm – trong phiên chầu Thánh Thể cấp giáo phận

của GĐPTTTCG ngày 11-09-2014 tại Gx Vườn Xoài

GIA ĐÌNH:  Loan Báo Tin Mừng và vun trồng Ơn Gọi

                                                                              Lược ghi: Pet. Minh Sơn

Vai trò gia đình là chủng viện tại gia, muốn thế, chúng ta cần có một cách sống huấn luyện con cháu theo định hướng sống tinh thần nghèo khó, vâng phục, khiết tịnh. Những điều này không phải chỉ hiện diện trong môi trường sống của chủng viện, mà vẫn phải có trong đời sống hôn nhân gia đình. Khó nghèo là sự tích lũy lo cho gia đình; vâng phục là sự vâng lời hài hòa lẫn nhau; khiết tịnh là gìn giữ gia đình được bằng an, là sống trong sạch trọn vẹn lời chúc phúc của Chúa trong ngày nhận Bí tích Hôn phối.

Chúng ta thường nghĩ tới chủng viện là nơi vào đó để được đào luyện hướng tới làm linh mục để phục vụ cho giáo hội – các ứng sinh được tuyển chọn để trở thành linh mục trong tương lai. Nền tảng có được những ơn gọi như thế thì điều căn bản phải đề cập trước tiên là môi trường gia đình.

   Vai trò của những bậc làm cha mẹ và anh chị em trong gia đình là nhân tố tích cực giúp phát sinh ơn gọi, không chỉ là ơn gọi độc thân dâng hiến, mà còn phải nói đến ơn gọi sống bậc gia đình nữa. Gia đình còn là một “chủng viện đào tạo” khởi sự cho ơn gọi độc thân dâng hiến và ơn gọi sống bậc gia đình. Có những gia đình sống rất sốt sắng, cho tất cả các con đi tu, điều đó nói lên được sự giáo dục con cái trong gia đình thật hài hòa giữa người cha và người mẹ đối với con cái.

   “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em” (Ga 15, 16). Thiên Chúa gọi, nhưng còn cần sự đáp trả “xin vâng” và chịu sự huấn luyện – đào tạo nơi trường dạy đầu tiên là gia đình – cho đời sống Đức Tin đối với con cái mình. Từ lúc còn bồng bế trên tay, những ước vọng của bậc làm cha mẹ đã gởi gấm vào những lời ru tiếng kinh, để mong ngày sau con cái có ý thức hơn trong việc chọn lựa bậc sống. Chủng viện “tại gia” thật ra chính sự thúc đẩy của  người cha, người mẹ và anh chị em trong gia đình, nâng đỡ nhau trong niềm ước ao khấn xin Chúa, Đức Mẹ và các Thánh nâng đỡ cho con cái của mình bằng ý nguyện: Nếu Chúa muốn, con xin dâng hiến người con này cho Chúa trong đời sống tu trì…chatan

   Đôi lúc sự việc xảy đến không toàn vẹn như lời hứa của mình khi con cái lớn lên, nhưng nên nhớ rằng đời sống dâng hiến hay đời sống gia đình đều tốt cả, do sự chọn lựa của con cái. Nhưng chúng ta hãy cầu xin sao cho con cái mình chọn lựa đúng bậc sống của mình. Nếu Chúa chọn bậc sống độc thân dâng hiến để phục vụ giáo hội, xin Chúa dẫn dắt con cái mình đi cho đúng con đường ấy; bằng như chọn đời sống gia đình thì cũng xây dựng tinh thần cho con cái của mình sống vững tin theo ý Chúa muốn, để gia đình mới trong tương lai cũng là trường đào luyện ơn gọi và là giáo hội tại gia.

   Ý cầu nguyện chung là xin cho các gia đình trở nên là cái nôi của tình yêu và sự sống. Chính điều này sẽ làm cho các thành viên trong gia đình có nhiều ý tưởng phong nhiêu về ơn gọi khác nhau, nhưng chung quy là có hai ơn gọi chính, đó là độc thân dâng hiến và ơn gọi gia đình. Chúng ta hãy cầu nguyện cho những ơn gọi và trách nhiệm của bậc làm cha mẹ, xây dựng cho gia đình của mình trở thành chủng viện đầu tiên chuẩn bị cho những thành viên ơn gọi tương lai của Giáo hội.

   Nhớ lại, trước phút giây chịu chức, các thầy nằm xuống để cộng đoàn giáo dân và các linh mục cầu nguyện cho mình, lúc ấy có một sự đấu tranh mãnh liệt trong tâm trí và suy nghĩ về thân phận của mình yếu hèn; thế nhưng, một khi được ơn Chúa ban, các thầy Phó tế đã đứng lên lãnh nhận và hứa với đấng bản quyền của mình trong đời sống linh mục tu trì. Ấn tín Thánh hiến là rất quan trọng, và khi Đức Giám mục Thánh hiến đôi bàn tay, để chính bàn tay của vị linh mục cầm lấy bánh và rượu, và trên môi miệng được thánh hóa nhờ tác động của Chúa Thánh Thần, giúp cho việc cử hành tất cả những Bí tích đem lại hiệu quả, nhờ việc cử hành chung theo như ý của Chúa. Vì thế, vai trò của người linh mục ngày hôm nay không thể thiếu được, mà luôn cần thiết để tiếp tục đời sống và nuôi dưỡng cho đoàn chiên của Chúa được sống. Trải qua trong những năm tháng của đời sống linh mục, không phải linh mục nào cũng giống nhau như khuôn mẫu, cá tính người linh mục vẫn còn đó, dĩ nhiên nhờ ơn Chúa ban mỗi người một cách thực thi với tất cả lòng mến của mình,  nên khi có những thực hành trong đời sống linh mục, đôi khi có nhiều khả năng khác nhau.

   Vì điều cơ bản trên đây, Giáo hội nhắc nhở chúng ta rằng: gia đình phải biết phục vụ Nước Trời. Trong trách nhiệm của bậc làm cha mẹ, khi giới thiệu Nước Trời cho con cái của mình tức là khai sinh và ươm mầm giống Đức Tin trong lòng con trẻ phải hướng về Nước Trời là nơi hạnh phúc. Nếu gia đình không xây dựng được cho con cái mình có một đời sống hạnh phúc thì làm sao con trẻ hiểu được Nước Trời hạnh phúc như thế nào!  Cho nên, chính gia đình phải xây dựng cho con cái của mình bằng gương cha mẹ –  vợ chồng sống yêu thương nhau trong hạnh phúc. Trong gia đình đó, việc phục vụ sự sống là bổn phận cấp bách và hàng đầu.

   Một trong những vấn đề liên quan đến sự sống phụ thuộc là con người nhỏ bé, sự gần gũi chung chạ nam nữ trong tuổi thanh niên dễ sinh ra những vấn nạn, mà nhiều khi trong những buổi đầu của việc hôn nhân đã xúc phạm đến sự sống, quả thực đó là vết đau của đời sống gia đình. Vì thế, chúng ta cần luôn nhắc nhở con cháu cố giữ gìn và bảo vệ sự sống, lấy đó làm nền tảng của gia đình hạnh phúc. Giáo dục con cái trưởng thành trong việc chọn lựa, biết tôn trọng những ý kiến của những bậc cha anh về việc chọn lựa trong đời sống, biết ý thức đánh giá sự ảnh hưởng về hành động của mình đối với gia đình và cả gia tộc. Cho nên việc hình thành một sự sống vì các lý do này, chúng ta phải cố gắng bảo vệ; và khi đã trở thành một con người thì bậc làm cha mẹ ông bà hay con cháu đều quy hướng về Chúa Kytô, để Chúa Kytô mời gọi trở nên môn đệ của Chúa và đi theo Chúa. Như vậy, với đời sống hôn nhân gia đình, các thành viên trong đó được mời gọi để cùng trở nên môn đệ của Chúa, là chấp nhận vai trò trở thành thành viên của đại gia đình Thiên Chúa, khi đó phải hiểu được ơn gọi của Thiên Chúa đối với mình là thế nào.

   Trong một gia đình nhỏ, mỗi thành viên đều làm các công việc hằng ngày khác nhau bằng trách nhiệm mỗi người; vì thế, trong đại gia đình của Thiên Chúa, Chúa cũng mời gọi mỗi người có một trách vụ riêng, mà khi nhận ra được tình yêu và ơn Chúa gọi, mỗi thành viên trở thành cộng sự viên để xây dựng tinh thần phục vụ. Cho nên bổn phận của bậc làm cha mẹ ông bà phải nhắc con cái hiểu được tình yêu của Thiên Chúa đối với mình như thế nào? Nhưng Thiên Chúa – Đấng vô hình, con cháu còn nhỏ không sao hiểu được hết; vì thế, người lớn phải hướng dẫn, nâng đỡ, yêu thương, để con cháu hiểu được vai trò người cha yêu thương và qua đó giới thiệu được khuôn mặt Thiên Chúa là cha yêu thương như thế nào, khuôn mặt của chúng ta – cha mẹ ông bà – phải thể hiện được khuôn mặt yêu thương của Chúa đối với con người.

   Ngay từ thuở ban đầu đã có những người nam người nữ dấn thân phục vụ Giáo hội, câu nói nổi tiếng của Thánh nữ  Thérésa Hài đồng Giêsu: “Ơn gọi của tôi là Tình yêu”. Khi hiểu được tình yêu thì phục vụ cho Đấng là Tình yêu. Thánh nhân cũng suy nghĩ về mình chỉ là một bông hoa trong vườn hoa được Thiên Chúa chăm sóc yêu thương cách đặc biệt; Do vậy, khi nhận ra được tình yêu ơn Chúa gọi thì bông hoa đó càng tươi và tỏa hương thơm cho đời. Vì thế, gia đình phải làm sao xây dựng để nảy sinh ra được tình yêu đó để phục vụ Giáo hội, phục vụ cho gia đình.

   Giáo hội cũng như trong Giáo phận chúng ta vẫn luôn mời gọi các gia đình cộng tác trong việc cổ võ ơn Thiên triệu. Trong những ngày vừa qua Giáo phận thường có phổ biến những thông tin để các em tìm hiểu ơn gọi, mọi người hãy ra sức hỗ trợ; vì dù sao hiện nay linh mục tu sĩ tại Việt Nam đang có nhiều, nhưng nói riêng tinh thần dấn thân ra đi vẫn còn thiếu nhiều lắm, đôi lúc không nhìn thấy sự cần thiết của cánh đồng truyền giáo tại các nơi khác. Rất may giờ đây đã có các hội dòng thừa sai sẵn sàng ra đi phục vụ Giáo hội trên khắp thế giới. Việc uốn nắn tinh thần dấn thân phục vụ theo ơn Thiên triệu phải được xuất phát ngay từ trong gia đình. Khởi đầu là việc hướng dẫn con em biết phục vụ cho bản thân và gia đình của mình, kế đến là phục vụ ơn gọi trong giáo xứ, dẫn đến cung cấp cho Giáo hội những người con ưu việt ngay trong gia đình của mình.

   Chung quy tất cả các ơn gọi đều xuất phát từ tình yêu của Thiên Chúa, dân Chúa khắp nơi từ gia đình đến giáo xứ cần tích cực hơn nữa trong việc cổ võ ơn Thiên triệu. Khi nhìn ra thế giới mở để thấy những sự cảnh báo cho Giáo hội Việt Nam: các nước Châu Mỹ, Châu Âu trong thập niên gần đây ơn gọi đã giảm xuống rất nhiều, các tỉnh dòng trống vắng tu sĩ. Đôi khi chúng ta vì thiếu sự cổ võ, hoặc vì nếp văn hóa thiếu sự nhấn mạnh về đời sống gia đình; và cứ thế đến vài mươi năm sau sẽ chẳng còn ai đi tu. So ra về Giáo hội Việt Nam cũng vẫn còn rất mạnh, tuy theo khuyến cáo của nhà nước là chỉ có hai con trong một gia đình, nhưng vẫn có những gia đình tận hiến con cái mình cho Thiên Chúa. Vì thế, dù cách nào, chúng ta cũng đặt hết tất cả niềm tin của mình vào Thiên Chúa quan phòng cho Giáo hội, cũng như cách riêng cho mỗi gia đình của mình. Chính vì vậy mà bổn phận của bậc làm cha mẹ là phải biết vun trồng bảo vệ mầm non ơn gọi tu trì nơi con cái mình. ‘Dạy con từ thuở còn thơ’ bằng đời sống đạo đức ngay trong gia đình, và cần để ý đến sự chọn lựa của con cái ngay từ ban đầu, dĩ nhiên cũng cần gắn liền với ơn Chúa qua cầu nguyện vâng theo ý Chúa, và tuyệt đối không phải là ép buộc của cha mẹ.

   Bổn phận của gia đình trong việc vun trồng ơn gọi là phải có đời sống cầu nguyện. Trong những ngày Thứ năm hằng tuần cộng đoàn dân Chúa đều dâng ý cầu nguyện cho ơn gọi và các linh mục tu sĩ nam nữ; ngày Thứ bảy cầu cho gia đình, cho các đôi hôn phối và những người chuẩn bị tiến tới đời sống hôn nhân gia đình. Định hướng tâm tình cầu nguyện đó giúp cho tất cả việc làm của chúng ta đều có sự liên đới với Giáo hội.

   Nói về ơn gọi gia đình, việc vun trồng làm sao cho con cái biết phục vụ trong bậc gia đình, chứ không chỉ là độc thân dâng hiến mới gọi là có ơn gọi. Phải hướng dẫn con cái biết sống đời sống gia đình, biết gắn bó với gia đình, biết chọn lựa người bạn hôn phối cho phù hợp. Vun trồng đời sống thánh hiến thì cha mẹ uốn nắn cho con cái biết yêu thương Bí tích Thánh Thể, Bí tích hòa giải; vun trồng đời sống gia đình thì cha mẹ phải sống yêu thương để làm gương sáng và chứng minh sự hạnh phúc của đời sống gia đình.

   Vai trò gia đình là chủng viện tại gia, muốn thế, chúng ta cần có một cách sống huấn luyện con cháu theo định hướng sống tinh thần nghèo khó, vâng phục, khiết tịnh. Những điều này không phải chỉ hiện diện trong môi trường sống của chủng viện, mà vẫn phải có trong đời sống hôn nhân gia đình. Khó nghèo là sự tích lũy lo cho gia đình; vâng phục là sự vâng lời hài hòa lẫn nhau; khiết tịnh là gìn giữ gia đình được bằng an, là sống trong sạch trọn vẹn lời chúc phúc của Chúa trong ngày nhận Bí tích Hôn phối: “Sự gì Thiên Chúa kết hợp thì loài người không được phân ly”, sống trung thành và chung thủy với người bạn đời của mình. Sống khiết tịnh tức là biết làm chủ bản thân mình. Ngoài ra, chúng ta còn cần xây dựng lòng Mến trên hết tất cả mọi sự. Đức yêu thương chính là lòng Mến, và làm sao để tình yêu thương phủ lấp cả đời sống cho dù có nhiều khó khăn. Khi có lòng mến thì vượt qua tất cả mọi sự.

   Mong sao tất cả chúng ta cùng cộng tác với Giáo phận để cổ vũ ơn gọi trong đời sống độc thân dâng hiến, cũng như dẫn dắt con cháu trong ơn gọi đời sống hôn nhân gia đình. Qua sự gương mẫu của bậc làm cha mẹ, khi chính mình đã trải qua kinh nghiệm sống trong gia đình, để nâng đỡ con cháu của mình trên bước đường thực hiện những tiếng mời gọi của Thiên Chúa.

Số lượt truy cập: (192)

Hoạt động đoàn thể
Hạnh các thánh
Truyện kinh thánh
Xây dựng
Thông tin
Giáo xứ
Lời Chúa
Kinh thánh Giuse